Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

TẠO CHỮ KÝ ĐỘNG (GIF) CHO BLOG


TẠO CHỮ KÝ ĐỘNG (GIF) CHO BLOG

Các bạn có thể dung Photoshop, PhotoScape… đề tạo môt chữ ký động cho blog, Nhưng hôm nay HUANDRUMS giới thiệu đến các bạn không có nhiều thời gian có thể tạo cho mình một chữ ký động chỉ trong vài phút qua trang Gif-mania.
Các bạn vào trang nầy http://www.gif-mania.net/animated-signatures/artists-pencils.html
Gõ tên bạn vào phần (1) (Mũi tên xanh)
Tùy chỉnh font và size chữ phần (2) (Mũi tên đỏ)
Tùy chỉnh màu chữ cho thích hợp với màu nền của bạn trong phần(3) (Mũi tên đen)
Các bạn nhìn bên phải (4) sẽ thấy có các cây viết, chọn một cây hoặc một biểu tượng nhỏ nhé.
Click vào CREATE (Mũi tên vàng) nhé.
Chữ ký của bạn xuất hiện,
Bạn chỉ cần click vào Download this signature (Mũi tên xanh) chọn Save file để download về máy và upload lấy link nhé.
Nếu bạn có tài khoản Photobucket và đang trong trạng thái đã đăng nhập thì có thể click vào Store it (Mũi tên đỏ) Hệ thống sẽ tự động upload chữ ký đó lên Photobucket của bạn(Nhớ phải đăng nhập Photobucket trước, nếu không hệ thống sẽ upload chữ ký nầy lên Photobucket của Gif-mania,vẫn dùng được nhưng link rất dễ die)
Sau đó bạn thay link chữ ký vào code nầy nhé:
Thay H bằng chiều cao ảnh chữ ký.
Sau khi chèn code vào nguồn bên ngoài xong chữ ký nầy sẽ tự động xuất hiện cuối mỗi bài viết trong tất cả các bài viết cũ và mới
Chúc thành công!

Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

36 chước, chước nào là hơn

Hầu như người Việt nam nào cũng nói: “36 chước, chước nào là hơn”( Kiều), tuy nhiên cũng ít người biết 36 kế là những kế gì.

Người Trung hoa thông minh, đây là tác phẩm của họ, rất sâu sắc, rất huyền diệu, thâm thúy, thiên biến vạn hóa. Nếu vì mục đích chính nghĩa thì những kế này cực quý, giúp ta giữ nước giữ nhà, bảo vệ danh dự, phát triển cộng đồng … Nhưng dùng vào mục đích tranh đoạt quyền sống của người khác thì chúng vô cùng nguy hiểm, khiến những người chung quanh phải luôn luôn hết sưc cảnh giác.

Tiếc thay, người Trung hoa rất ưa tranh đoạt. Trong tình hình hiện nay, với 16 chữ vàng, họ đã áp dụng khoảng trên 10 kế trong số 36 chước ( có thể còn hơn). Họ là kẻ cười nói giả lả, ngoài mặt hết sức thân tình, âu yếm nhưng đầy một bụng hiểm ác, tìm cách lừa con mồi vào tròng. Họ là kẻ gian kế đầy mình.

Tôi không biết hiện nay Việt nam là ngây thơ trước con quỷ dữ hay chỉ là vờ ngây thơ? Rất có thể lúc đầu thì ngây thơ thật vì tin vào chủ nghĩa Quốc tế đã cảm hóa con người, đã giảm thiểu tinh thần dân tộc hẹp hòi, tin vào tình đồng chí, tin vào tình bạn; nhưng về sau thì trước tình huống hiểm nghèo quá đành phải giả nai để liệu từ từ vậy.
Thức giả nào biết thì xin chỉ bảo cho tôi.

NNQ

                             *******
Tam thập lục kế

1. Dương đông kích tây (Đánh lạc hướng đối phương)

Kế "Dương đông kích tây" là reo hò giả vờ như thật sự đánh vào phía đông, nhưng chủ yếu lại đánh vào phía tâỵ

Trong tất cả mọi vấn đề của xã hội, từ chiến trường, thương trường, chính trường cho đến tình trường; nếu muốn điều này nhưng lại giả làm điều kia, nói điều này mà làm điều nọ, ấy là "Dương đông kích tây" vậỵ

Kế này mờ ảo vô song. Nó rất khó biết, khó đoán, bị đánh bất ngờ. Kế này nhằm chuyển mục tiêu để lừa dối đối phương, khiến cho địch sơ ý, lừa lúc bất ý tấn công kẻ không chuẩn bị.

Có nhiều cách thức để thực hiện kế này, như:

- Tạo tin đồn. - Làm rối tai rối mắt địch. - Buộc đối phương lo nhiều mặt. - Mê hoặc ý chí của địch. - Nghi binh. - Làm phân tán lực lượng đối phương. - Làm yếu lực lượng đối phương, lực lượng phòng vệ địch.

Nguyên tắc của " Dương đông kích tây" là bí mật và chủ động. Bị động coi như phải chịu sự khống chế của địch.

Điều kỵ khi dùng kế " Dương đông kích tây" là để lộ cơ.

Lộ cơ là mất hết khả năng phòng bị, chuẩn bị. Dù là trên chiến trường, thương trường hay chính trường cũng đều phải giữ bí mật và nắm được thế chủ động.

2. Điệu hổ ly sơn (Dụ hổ ra khỏi rừng)

Kế "Điệu hổ ly sơn" là nhử, dụ hay khuấy động làm cho con hổ ra khỏi rừng.

Kế "Điệu hổ ly sơn" có hai lối: Một là nhử hổ ra khỏi rừng để dễ dàng giết hổ. Hai là đuổi hổ đi để dễ bắt giết những loại hồ ly vẫn dựa oai hổ mà hoành hành.

3. Nhất tiễn hạ song điêu (Một mũi tên hạ hai con chim)

Kế "Nhất tiễn song điêu" là dùng một mũi tên bắn chết hai con chim.

Ý của mưu kế này là dùng sức lực tối thiểu để đạt đến hiệu quả tối đa.

4. Minh tri cố muội (Biết rõ mà làm như không biết)

Kế "Minh tri cố muội" là biết thật rõ chuyện đấy, nhưng làm ra vẻ không biết gì.

Với người xưa, đây là một triết lý xử thế rất cao, mục đích lại ẩn trốn tất cả những tiếng thị phi nghi hoặc, nhưng theo nghĩa mưu kế, nó là một thái độ thâm sâu.

Cái đức của người quân tử không thể không cho thiên hạ biết, nhưng cái mưu kế của trượng phu không thể không giấu thiên hạ.

Tóm lại, biết rất nhiều mà tỏ ra không biết một là kế "Minh tri cố muội" vậỵ

5. Du long chuyển phượng (Biến rồng thành phượng)

Kế "Du long chuyển phượng" là biến cái này thành cái kia, bên trong là hình rồng đó, nhưng làm cho nó trở thành phượng.

Cái kế này rất phổ biến, trong dân gian ta gọi là "Treo đầu dê, bán thịt chó".

6. Mỹ nhân kế (Kế dùng gái đẹp)

"Mỹ nhân kế" là dùng gái đẹp để làm xoay chuyển, thay đổi tình thế mà những cái khác không thể thực hiện được.

Giai nhân từ ngàn xưa đến nay bao giờ cũng là đề tài chính. Tuy là phái yếu, không thể vác gươm đao mà đánh giặc, nhưng các nàng có thể thắng được bằng đôi mắt biếc và nụ cười xinh đẹp.

Có những bức thành kiên cố cả mười vạn quân không hạ nổi, nhưng nó có thể bị sụp đổ bởi ánh mắt mỹ nhân.

Sức mạnh của mỹ nhân đặc biệt là có ảnh hưởng đối với người anh hùng, người có quyền thế.

7. Sấn hỏa đả kiếp (Theo lửa mà hành động)

Kế "Sấn hỏa đả kiếp" là lợi dụng lúc loạn để thao túng, lúc tình hình rối ren mà sắp xếp theo ý muốn.

Có hai loại "Sấn hỏa đả kiếp": Một là theo lửa để mà đánh cướp. Hai là chính ta phóng hỏa mà đánh cướp.

Theo lửa tức là thừa lúc người ở trong cơn nguy biến mà ta quấy hỗn loạn thêm.

Phóng hỏa tức là chính ta gây ra sự hỗn loạn mà thực hiện theo ý muốn của ta.

Theo lửa hay phóng hỏa cùng đi chung vào một mục đích là đánh địch và đoạt của địch để tạo cơ hội cho ta.

Theo lửa thì dựa vào thời cơ sẵn có.

Phóng hỏa thì tự ta tạo ra thời cơ.

Không thể phê phán theo lửa hay phóng hỏa, cái nào hay, cái nào dở, cái nào tốt, cái nào xấu, vì cả hai giống như một sự biến ảo giữa không khí và nước.

Trong sử sách, người ta thấy tay phóng hỏa giỏi là Trương Nghi. Một mình Trương Nghi đã phá tan thế hợp tung bằng cách dối Tề, lừa Triệu, dọa Ngụy, thuyết Yên, bịp Sở.

Trương Nghi thật là con người có cái lưỡi bằng lửa thiêu đốt cả sáu nước, dựng thành cơ nghiệp thống nhất cho nhà Tần.

Khổng Minh tuy là một nhà chính trị lỗi lạc tài tình, nhưng cái thế của ông ngay từ đầu chỉ là cái thế phải theo lửa để gây vốn: Lưu Bị bị Tào Tháo đánh chạy đến cùng đường, Khổng Minh đành tính kế nương nhờ Tôn Quyền rồi ăn theo cuộc chiến tranh Nam - Bắc, ăn theo trận Xích Bích để cướp Kinh Châu.

"Sấn hỏa đả kiếp" đòi hỏi một khả năng hành động mau lẹ như con ó bắt mồi.

8. Vô trung sinh hữu (Không có mà làm thành có)

Kế "Vô trung sinh hữu" là từ không mà tạo thành có.

Thiên hạ không loạn, trật tự không rối thì làm gì có anh hào xuất lộ! Bởi lẽ đó, những anh hào thường được gọi là kẻ "chọc trời khuấy nước". Mục đích của khuấy nước là làm rối beng sự việc lên để dễ bề thao túng. Thủ đoạn của khuấy nước là gây tiếng tăm, tung tiếng đồn, gây xáo trộn rồi dựa vào đó mà thủ lợi.

Kế "Vô trung sinh hữu" hình dung là tu hú đẻ nhờ, tổ thì chim khác làm, nhưng con tu hú cứ đến đặt trứng của nó vào đó, rồi lại nhờ loài chim khác ấp trứng luôn, khi trứng nở thành chim, tu hú con bay về với bầy tu hú.

9. Tiên phát chế nhân (Ra tay trước để chế phục đối phương)

"Tiên phát chế nhân" là ra tay trước để dành chiếm ưu thế, để đoạt lợi, để bắt lấy sự chiến thắng.

Kế "Tiên phát chế nhân" là không nói quá xa, viễn vông, mà phải nhìn vào thực tế gần nhất.

Các vụ xảy ra trong lịch sử như: Lý Thế Dân tại Huyền Vũ Môn, Võ Tắc Thiên phế lập Lư Lăng Vương, Ung Chính cướp Bảo Tòa, Từ Hi độc sát Quang Tự, Gia Cát Lượng lấy đất Quang Trung... Tất cả đều là áp dụng thủ đoạn "chớp nhoáng" không cho địch kịp trở tay, không cho dư luận phản ứng kịp.

Vẫn có câu "Tiên hạ thủ vi cường" là vậỵ

10. Đả thảo kinh xà (Đập cỏ làm cho rắn sợ)

Kế "Đả thảo kinh xà" là đập vào cỏ, làm động cho rắn sợ.

11. Tá đao sát nhân (Mượn đao để giết người)

Kế "Tá đao sát nhân" là mượn dao để giết người, mượn tay người khác để giết kẻ thù của mình.

Ngạn ngữ Trung Quốc có câu: “Sát nhân bất kiến huyết, kiến huyết phi anh hùng”. (Giết người không thấy máu, thấy máu không anh hùng).

Trên đời dĩ nhiên chưa có kẻ nào chỉ giết người mà thành anh hùng, nhưng cũng hiếm có tay anh hùng nào không giết người. Điểm khác nhau không ở có hay không, mà ở chỗ thông minh hay ngu xuẩn. Tào Tháo mượn Lưu Biểu giết Nễ Hành, mượn lòng quân giết Dương Tu rồi lại được làm cái việc mèo già khóc chuột, thật đáng kể là một tay thông minh, gian hùng.

12. Di thể giá họa (Dùng vật gì để vu khống người ta)

Kế "Di thể giá họa" là đem xác chết hay đồ vật gì bỏ vào nhà người khác để giá họa.

Kế này thường được dùng bởi khối óc quỷ quyệt thông minh, tự mình không ra mặt mà làm cho đối phương bị hại. Như vậy gọi là "giết người không thấy máu".

13. Khích tướng kế (Kế chọc giận tướng giặc)

"Khích tướng kế" là kế chọc giận tướng giặc, làm tướng giặc nổi giận. Nổi giận sẽ mất sáng suốt, thiếu suy nghĩ, không tự chủ được con người mình.

Mạnh Tử nói: "Nhất nộ nhi an thiên hạ".

Trong đời có nhiều sự việc được thành tựu bằng một cơn giận và cũng có nhiều việc thất bại bởi một cơn giận.

Bởi vậy cái kế khích tướng cũng là một trong những diệu kế, nếu đạt ra thì kiến thiên hạ, cùng thì mang họa vào thân.

Khích tướng còn là khơi dậy cái hùng khí của người khác để người ấy làm việc cho ta.

Đối tượng tốt nhất của kế khích tướng là những người có tính tình bạo tháo hay sẵn sàng phẫn nộ.

Tuân Tử bảo rằng: “Lời nói khéo êm như lụa, lời nói ác nhọn như giáo mác”.

Thuyết là tiến dẫn lời nói, cái nghĩa căn bản của thuyết làm cho người ta nghe theo. Hiệu quả của thuyết rất lớn. Bởi thế mới có câu: "Thiên hạ tĩnh, nhất ngôn sử chi động. Thiên hạ động, nhất ngôn sử chi tĩnh". (Thiên hạ đang yên lặng, một lời nói làm náo loạn. Thiên hạ đang náo loạn, một lời nói làm lắng dịu).

Căn bản mưu thuật của thuyết, theo Tuân Tử có bốn điều: Cơ, dũng, trí, biến.

- Cơ: Là xem thời độ thế, nhân lợi thuận tiện.

- Dũng: Là quyết đoán nói những điều không ai dám nói.

- Trí: Là biết rõ sự tình, tâm lý, giải quyết được thắc mắc, chế phục được người.

- Biến: Là biến hóa, trong các trường hợp bất trắc.

Mục đích của thuyết có năm điều:

- Làm cho người hiểu rõ.

- Làm cho người tin tưởng.

- Làm cho người đồng tình.

- Làm cho người phục.

- Làm cho người theo.

Đạt được năm mục đích trên thì kể như nắm chắc phần thắng trong tay.

14. Man thiên quá hải (Lợi dụng sương mù để lẩn trốn)

Kế "Man thiên quá hải" là lợi dụng lúc trời sương mù mà lẩn trốn, vượt qua hay hành động ngay trong lúc sương mù.

Man thiên, trời u ám không phải hoàn cảnh hoàn toàn bất lợi như một quẻ trong Dịch lý đã nói. Man thiên, không thể ngồi đợi nó tới như sương mù do thời tiết thiên nhiên, mà phải tạo ra nó.

Kế "Man thiên" đem áp dụng thực hiện được cả hai mặt: tiêu cực lẫn tích cực.

Tích cực là đem ánh sáng đến cho một tình thế mờ mịt.

Tiêu cực là lẩn tránh một tai họa, là lợi dụng cơ hội sơ hở của địch để thoát bí.

Ở trận Xích Bích, Khổng Minh đã giải quyết vấn đề thiếu tên bắn cho các cung thủ bằng cách lấy mười chiếc thuyền lớn chất đầy rơm, đợi lúc trời sương mù, âm thầm đến trại Tào Tháo nổi trống la hét làm như tấn công. Tào sợ ngụy kế, không dám xông ra, chỉ bắn tên như mưa vào các thuyền rơm. Bằng một đêm đánh trống reo hò, không chết một người, Khổng Minh đã lấy được của Tào Tháo cả trăm ngàn mũi tên.

15. Ám độ trần sương (Đi con đường mà không ai nghĩ đến)

Kế "Ám độ trần sương" là bí mật đưa quân qua con đường mà không ai nghĩ rằng ta sẽ đi qua.

Kế này áp dụng giữa lúc hai bên đang đấu tranh, chiến đấu với nhau.

Mỗi bên đều ra sức giấu mục tiêu thật của mình rồi đưa ra mục tiêu giả mà lừa đối phương.

Đây là công việc rất phức tạp, có một quá trình khúc triết. Như "Tôn Tử Binh Pháp" viết: “Việc binh là trá ngụy, có thể mà làm ra vẻ không có thể, dùng đấy mà tỏ ra không dùng, gần giả làm như xa, xa giả làm như gần. Lấy lợi mà dụ, gây rối mà đuổi, thấy khỏe thì tránh. Đầu tiên là làm mọi cách giảm nhược lực đối phương, sau rồi mới tiến hành dự định.

Muốn dụng kế này phải là người có tầm nhìn xa hiểu rộng và một khối óc tuyệt vời.

16. Phản khách vi chủ (Đổi vị khách thành vị chủ)

Kế "Phản khách vi chủ" là đổi địa vị khách thành địa vị chủ.

"Phản khách vi chủ" là trong đấu tranh đang ở vào thế bị động nên phải tìm kế hoạch đến chủ động, khách vốn là địa vị bị chi phối, mọi việc đều do chủ đặt định sắp xếp.

"Phản khách vi chủ" là nguyên tắc thường dùng trong đấu tranh. Có chủ động mới khống chế được cục diện. Không có chủ động, không thể thắng lợi.

17. Kim thiền thoát xác (Ve sầu vàng lột xác)

"Kim thiền thoát xác” là con ve sầu vàng lột xác.

Kế này dùng cho lúc nguy cấp, tính chuyện ngụy trang một hình tượng để lừa dối, che mắt đối phương, đặng đào tẩu chờ một cơ hội khác.

Kế "Kim thiền thoát xác" có một phạm vi rất rộng rãi và phổ biến, bất cứ ai ở hoàn cảnh nào cũng có thể sử dụng được.

18. Không thành kế (Kế bỏ trống cửa thành)

"Không thành kế" là kế bỏ thành trống, thành bỏ ngỏ.

Kế này có hai loại:

- Một là lúc tình thế cực khẩn cấp, nguy hiểm như treo trên sợi tóc, buộc phải dùng nghi binh để lừa dối đối phương mà dựa vào đó để trốn thoát.

- Hai là rút lui với đầy đủ kế hoạch dụ cho địch quân xâm nhập rồi mới bao vây tiêu diệt.

"Không thành kế" thực ra là một cách tạo nghi âm cho đối phương, mục đích là không cho đối phương sớm có một quyết định.

19. Cầm tặc cầm vương (Dẹp giặc phải bắt tướng giặc)

"Cầm tặc cầm vương" là dẹp giặc phải bắt chúa giặc.

Phương pháp bắt chúa giặc thật thiên biến vạn hóa, không cứ bằng sức mạnh hay bằng trí khôn. Các kế khác như "Điệu hổ ly sơn", "Mỹ nhân kế" hay "Man thiên quá hải" đều có thể dùng cho kế "Cầm tặc cầm vương". Để đối phó với một nhân vật anh hùng, thì dù một quả đạn mà giết hay dùng mỹ nhân kế mà nhử thì cũng như nhau.

Nhưng đa số âm mưu cầm vương được hiệu quả bằng kích thích anh hùng và mỹ nhân kế.

"Tự cổ anh hùng đa hiếu sắc" là vậy.

Việt Vương thua trận rồi, mà chỉ dùng một nàng Tây Thi đã đủ giam cầm Phù Sai. Lý Viên muốn đoạt quyền của Xuân Thân Quân, nên đã cho cô em là Lý Yên sang làm tì thiếp. Đó là những cách gián tiếp để cầm vương.

20. Ban chư ngật hổ (Giả làm con heo để ăn thịt con hổ)

Kế "Ban chư ngật hổ" là giả làm con heo để ăn thịt con hổ.

Lão Tử nói: “Người cực khôn khéo mà làm ra vụng về”, cũng như câu "đại trí nhược ngu". Người đi săn thường học tiếng heo kêu rồi tự giả làm heo để nhử con hổ.

Đối với kẻ thù, ta hãy giả ngu như một con heo, trên bề mặt cái gì cũng thuận chịu, lúc nào cũng cười, lúc nào cũng cung kính để cho địch mất hết nghi âm. Chờ thời cơ chín, tìm thấy chỗ nhược của kẻ thù mà đập đòn sấm sét.

- Dùng việc không gì quan trọng bằng bí mật.

- Hành động không gì quan trọng bằng thừa lúc bất ý.

- Dò xét không gì quan trọng bằng làm cho địch không hay biết.

- Bên ngoài ra vẻ loạn mà bên trong rất có cơ ngũ.

- Tỏ ra đói mệt nhưng thật là no khỏe.

- Làm ra ngu xuẩn nhưng rất tinh tường.

Những câu trên đây chính là căn bản lý luận của kế "Ban chư ngật hổ" vậy.

21. Quá kiều trừu bản (Qua cầu rồi phá cầu)

"Quá kiều trừu bản" là qua cầu rồi thì phá cầu, ý nói một người sau khi đã thành công, muốn hưởng thụ một mình nên giết hại hoặc xa lánh những người bạn đã đồng lao cộng khổ với mình.

Kế "Quá kiều trừu bản" thường trái ngược với kế "Ban chư ngật hổ". Qua cầu cất nhịp là lúc đắc thời đắc thế đem thuộc hạ ra mà khai đạo. Còn giả tiếng heo là kế áp dụng giữa lúc ở vào thế kẹt.

Đứng trên lập trường đạo lý thì cất nhịp cầu là một hành động vong ân bội nghĩa.

Lưu Bang nổi danh là người qua cầu cất nhịp lớn nhất trong lịch sử. Lúc Lưu Bang hàn vi còn đi ăn cắp gà, thôi thì Bang nói đủ các điều ngon ngọt dễ nghe để tựu chúng lập đảng. Đến khi nên cơ nghiệp rồi, lo việc củng cố quyền thế, Lưu Bang chẳng ngại gì hết, đổi lại thái độ, nghi ghét triều thần.

Người thứ nhất mà Lưu Bang lôi chém là Hàn Tín, rồi đến Bành Việt, Anh Bố, bỏ tù Tiêu Hà, Trần Hi, Phàn Khoái.

Trương Lương thấy họa chẳng chóng thì chày cũng đến với mình, nên bỏ trốn lên rừng học đạo tu tiên.

22. Liên hoàn kế (Kế móc nối nhau)

"Liên hoàn kế" là nối liền với nhau thành một dây xích.

"Liên hoàn kế" còn là vận dụng một quyền thuật để tạo phản ứng dây chuyền cho đối phương hoặc gây thành phản ứng nhiều mặt.

Mỹ nhân kế là vũ khí phổ biến nhất cần thiết cho việc dùng "Liên hoàn kế". Vì người đẹp ví như nước, anh hùng ví như bùn, nước làm cho bùn nhão ra.

Từ ngàn xưa, đa số anh hùng đã vì thương hoa tiếc ngọc nên bỏ lãng nhiệm vụ.

Tuy vậy, vẫn phải phân biệt "Mỹ nhân kế" với "Liên hoàn kế".

Liên hoàn kế là một hình ảnh của thực tiễn, bất cứ việc gì xảy ra cũng gây thành phản ứng dây chuyền. Việc xảy ra hôm nay cũng không tự dưng mọc ra, nó phải là kết quả dây chuyền từ những sự việc trước.

23. Dĩ dật đãi lao (Lấy khỏe để đối phó với mệt)

Kế "Dĩ dật đãi lao" là lấy sự thanh thản để đối phó với hấp tấp, nhọc nhằn; dưỡng sức mà đợi kẻ phí sức.

Kế này viết ở trong thiên "Quân Tranh" của bộ "Tôn Tử Binh Pháp": "Lấy gần đợi xa, lấy nhàn đợi mệt" nghĩa là trên chiến thuật phải tìm nắm trước địa vị chủ động để ứng phó với mọi tấn công của địch.

Cũng có ý nói nên chuẩn bị chu đáo, dễ dàng lấy cái thế bình tĩnh xem xét tình hình biến hóa mà quyết định chiến lược, chiến thuật. Đợi địch mỏi mệt, tỏa chiết bớt nhuệ khí rồi mới thừa cơ xuất kích.

Tôn Tử gọi thế là: "Ẩn sâu dưới chín từng đất, hành động trên chín từng trời".

Sử dụng sách lược này đòi hỏi thái độ tuyệt đối trầm tĩnh ứng biến, đo được ý kẻ thù, hoàn cảnh kẻ thù, thực lực kẻ thù. Nếu thời cơ chưa chín thì đứng yên như trái núi. Khi cơ hội vừa tới thì lập tức lấp sông, chuyển bể.

Tư Mã Ý ngăn Gia Cát Lượng ở Kỳ Sơn.

Chu Du phóng hỏa tại Xích Bích.

Tào Tháo đại phá Viên Thiệu nơi Quan Độ.

Tạ Huyền đuổi Bồ Kiên ở Phi Thủy.

Tất cả đều lấy ít đánh nhiều, thế kém vượt thế khỏe. Tất cả đều là kết quả sử dụng tài tình sách lược "Dĩ dật đãi lao".

24. Chỉ tang mạ hòe (Chỉ vào gốc dâu mà mắng cây hòe)

"Chỉ tang mạ hòe" là chỉ vào gốc dâu mà mắng cây hòe. Ý nói vì không tiện mắng thẳng mặt nên mượn một sự kiện khác để tỏ thái độ.

25. Lạc tỉnh hạ thạch (Ném đá vào người dưới giếng)

"Lạc tỉnh hạ thạch" là ném đá vào đầu kẻ đã rơi xuống giếng.

Rơi xuống giếng lại còn ném đá vào đầu nạn nhân. Nếu đứng trên quan điểm đạo đức Khổng - Mạnh thì phải là hành động không chính nhân quân tử, nhưng nếu coi là một mưu kế thì hành động này lại là một hành động sáng suốt.

Căn bản triết lý của "Lạc tỉnh hạ thạch" là chi phối được thì mới chiếm đoạt được, và nhân từ với kẻ thù tức là tàn nhẫn với chính ta.

Lưu Bị lúc nào hé miệng cũng nói những điều nhân từ, lúc nào cũng chảy nước mắt, nhưng ông lại là người cũng giỏi thủ đoạn "Lạc tỉnh hạ thạch" nhất.

Chẳng vậy mà khi Lã Bố vốn là người làm nhiều ân huệ đối với Lưu Bị, nào việc bắn kích ở Viên Môn, nào việc cho Lưu Bị nương tựa ở căn cứ mình... Đến lúc Lã Bố bị bắt sau khi thất trận Từ Châu, Tào Tháo trong lòng còn đôi chút thương mến muốn dụ dỗ Lã Bố, Lưu Bị ngại Tào Tháo có thêm một mãnh tướng nữa nên đã ghé tai Tào Tháo mà nhắc khéo: “Ông không nhớ chuyện Đinh Nguyên và Đổng Trác hay sao?” (Đinh Nguyên và Đổng Trác đều nhận Lã Bố làm con nuôi, nhưng đều bị chết vì tay Lã Bố.

Lưu Bị đã không kể đến ơn nghĩa, lại còn đưa đòn độc "Lạc tỉnh hạ thạch" hạ Lã Bố. Như vậy, Lã Bố làm sao khỏi chết!

26. Hư trương thanh thế (Thổi phồng thanh thế)

"Hư trương thanh thế" là thổi phồng thanh thế để cho người ta chóa mắt, nể sợ.

Đời Tam Quốc, Tào Tháo tiến xuống Giang Định, rầm rộ cả trăm vạn hùng quân. Tháo định dùng ưu thế tuyệt đối để buộc Tôn Quyền phải hàng phục. Nhưng Khổng Minh trông thấy âm mưu này nên chỉ ba vạn quân với một số mưu kế và trận gió đông đã đánh bại quân Tào.

Khi sử dụng kế này, trước hết phải xem mục đích và giá trị của nó thế nào đã, rồi mới định cỡ to nhỏ.

27. Phủ để trừu tân (Bớt lửa dưới nồi)

Kế "Phủ để trừu tân" là bớt lửa dưới nồi, ý nghĩa là giải quyết trên căn bản một vấn đề, chủ ý không cho nó phát ra (bớt lửa cho nước khỏi trào).

Khi có một việc đã bùng nổ ra rồi thì tìm cách làm cho nó dịu đi, không để nó tiếp tục ác liệt.

Chỗ diệu dụng kế "Phủ để trừu tân" là không nghe thấy tiếng, không nhìn thấy hình, vô cùng như trời đất, khó hiểu như âm dương, khiến cho kẻ thù rơi vào kế của mình mà họ không biết.

Không kể tình trường, chiến trường hay thương trường, kế "Phủ để trừu tân" lúc nào cũng là kế rất âm độc, lớn mang hiệu quả lớn, nhỏ có hiệu quả nhỏ.

Ở tình trường, anh chàng kém vế thường o bế song thân hoặc anh em của đào, hơn là tấn công chính nàng!

Ở chiến trường, kế "Phủ để trừu tân" lại càng dày đặc, giăng mắc như mạng nhện.

28. Sát kê hách hầu (Giết gà cho khỉ sợ)

"Sát kê hách hầu" nghĩa đen là giết con gà cho con khỉ sợ.

Theo truyền thuyết dân gian, con khỉ rất sợ trông thấy máu, cho nên khi người ta muốn dạy khỉ, trước hết họ giết một con gà, bắt con khỉ nhìn thấy đống máu bê bết rồi mới bắt đầu giáo hóa. Lúc bắt khỉ cũng thế, người ta vặn cổ con gà cho nó kêu lên những tiếng ghê rợn, khiến cho khỉ bủn rủn chân tay thì đến bắt.

"Sát kê hách hầu" có tác dụng lớn, làm cho các vụ mới nở ra trong trứng nước bị rơi vào cảnh bối rối, sợ sệt.

29. Phản gián kế (Dùng kế của đối phương để quật lại)

"Phản gián kế" là dùng người của đối phương lừa dối đối phương, dùng kế địch lừa địch.

Tôn Tử nói: “Biết mình là biết thực lực và nhiệm vụ của mình. Biết người là biết thực lực và ý đồ của địch. Biết mình thì tương đối dễ hơn biết người. Cho nên muốn biết người thì phải dùng gián điệp”.

30. Lý đại đào cương (Đưa cây lý chết thay cây đào)

"Lý đại đào cương" là đưa cây lý chết thay cho cây đào.

Người lớn làm họa, bắt người bé chịu tội thay. Có rất nhiều kẻ tác gian phạm tội lại bắt người khác thế thân.

31. Thuận thủ khiên dương (Thuận tay dắt con dê về)

"Thuận thủ khiên dương" theo nghĩa đen là thuận tay dắt con dê về.

Sự việc trên đời, thiên biến vạn hóa rất kỳ diệu. Phải biết nắm lấy bất cứ cơ hội nào vụt hiện đến trước mắt, đó là những thâu hoạch, những cái lợi bất ngờ.

32. Dục cầm cố tung (Muốn bắt mà lại thả ra)

"Dục cầm cố tung" theo nghĩa đen là muốn bắt cho nên thả ra.

Muốn thực hành kế này, phải có một nhãn quan sâu rộng, một tấm lòng nhẫn nại vô song. Những kẻ cấp công cận lợi không bao giờ có đủ tài trí để thi hành nó.

Kế "Dục cầm cố tung" không thi hành theo cái nghĩa đen của nó. Kế này nói lên sự mềm dẻo cho mọi chính sách, thứ nhất là chính sách thu phục lòng người, giữ người.

33. Khổ nhục kế (Hành hạ thân xác mình để người ta tin)

"Khổ nhục kế" là hành hạ mình, rồi đem cái thân xác bị hành hạ ấy để làm bằng chứng mà tiếp cận với địch để hoàn thành một âm mưu nào đó.

34. Phao bác dẫn ngọc (Ném hòn ngói để thu về hòn ngọc)

"Phao bác dẫn ngọc" nghĩa đen là ném hòn ngói để thu về hòn ngọc. Tức là dùng tiểu vật để đoạt một đại vật, như người đi câu vậy.

Dân gian thường nói "thả con tép bắt con tôm" cũng là kế này.

35. Tá thi hoàn hồn (Mượn xác để hồn về)

"Tá thi hoàn hồn" nghĩa là mượn xác để hồn về.

Ý kế này chỉ rằng: Sau khi đã thất bại, buộc phải lợi dụng một lực lượng nào đó để khởi lên thi hành trở lại chủ trương của mình.

Tuy nhiên, dùng kế này rất dễ đi vào con đường nguy hiểm, nếu sơ xuất thì tỷ như rước voi về giày mả tổ.

Nếu mượn xác mà mượn ẩu thì chẳng khác gì vác xác chết về nhà.

36. Tẩu kế (Chạy, lùi, thoát thân)

"Tẩu kế" nghĩa là chạy, lùi, thoát thân.

Tại sao kế sau chót cổ nhân lại đặt là "kế chạy"?

Lại có câu: "Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách". (Ba mươi sáu chước, chạy là hơn hết!)

Bởi vậy kế này liên quan nhiều đến sự thành bại của một công việc lớn. Bất luận là đánh nhau bằng văn hay bằng võ, không ai là có thể thắng hoài. Trong quá trình chiến đấu bao gồm nhiều kiểu thắng, nhiều kiểu bại, lúc ẩn lúc hiện, trong chớp mắt dồn dập cả trăm ngàn biến chuyển. Nếu không ứng phó mau lẹ để tránh những cảnh bất lợi, để nắm mau lợi thế mà tiến tới thắng lợi, thì không phải là nhân tài.

Chạy có nhiều phương thức. Bỏ giáp, bỏ vũ khí mà chạy, bỏ đường nhỏ mà chạy tới đường lớn, bỏ đường bộ mà chạy sang đường thủy... Các phương thức tuy không giống nhau nhưng cùng hướng chung đến mục đích là tránh tai họa để bảo đảm an toàn, để bảo toàn lực lượng.

"Tẩu kế" không phải là chạy dài. Chạy chỉ là một giải pháp để mà sẽ quay lại. Tinh hoa của kế chạy là giành thời gian, bảo tồn sức khỏe, lực lượng.

Rút chạy đến một vị trí mới, cho tư thế vững mạnh hơn, tập trung nỗ lực và củng cố tinh thần, chọn một cơ hội thuận tiện để quật lại, ấy mới thực là "Tẩu kế".

Sau hết phải lo đến điểm nguy của kế chạy: Khi chạy, sẽ mất tinh thần, sự việc hoàn toàn lỏng lẻo, mất sự tin tưởng ở xung quanh. Nếu không giải quyết cho chính xác những vấn đề trên thì "tẩu" không còn là một kế hoạch nữa, mà là một sự tan rã vậy!

Bài học Marketing từ Người ăn xin

Bài học Marketing từ Người ăn xin

  Đăng ngày: 1:35 PM - 13/12/2012 

Tôi xách túi đồ nhãn hiệu Levi’s ra khỏi Plaza rồi đứng lại ở cửa chờ bạn. Một tay ăn mày chuyên nghiệp phát hiện ra tôi, sán tới đứng trước mặt. Câu chuyện của tôi chỉ có thế thôi. Thế nhưng tay ăn mày đã dạy tôi một bài học kinh tế còn sâu sắc hơn một khoá học tại chức kinh tế ở trường. Tôi kể câu chuyện này chính bởi ý nguyện của tay ăn mày đó.
- Xin anh… cho tôi ít tiền đi! – Tôi đứng đó chả có việc gì nên tiện tay vứt cho hắn đồng tiền xu, rồi bắt chuyện cùng nhau.
Ăn mày rất thích kể lể.
- Tôi chỉ ăn mày quanh khu mua sắm này thôi, anh biết không? Tôi chỉ liếc một phát là thấy anh ngay. Đi mua Levi’s ở Plaza chắc chắn nhiều tiền…
- Hả? Ông cũng hiểu đời phết nhỉ! – Tôi ngạc nhiên.
- Làm ăn mày, cũng phải ăn mày cho nó có khoa học. – Ông ta bắt đầu mở máy.
Tôi ngẫm nghĩ một lát, thấy thú vị bèn hỏi:
- Thế nào là ăn mày một cách khoa học?
Tôi nhìn kỹ ông ta, đầu tóc rối bù, quần áo rách nát, tay gầy giơ xương, nhưng lại sạch sẽ.
Ông ta giảng giải:
- Ai chẳng sợ và ghét ăn mày, nhưng tôi tin anh không ghét tôi, tôi đoan chắc điều đó. Đấy là điểm tôi khác biệt với những thằng ăn mày khác.
Tôi gật đầu đồng ý, đúng là tôi không ghét ông ta, nên tôi đang nói chuyện với ông ta đấy thôi.
- Tôi biết phân tích SWOT, những ưu thế, bất lợi, những cơ hội và nguy cơ. Đối mặt với những thằng ăn mày là đối thủ cạnh tranh của tôi, ưu thế (Strengths) của tôi là tôi không làm người ta phản cảm, lánh sợ. Cơ hội (Opportunities) và nguy cơ (Threats) thì chỉ là những yếu tố điều kiện bên ngoài thuộc về hoàn cảnh, có thể là dân số ở đây đông hay vắng, thành phố có quyết định chỉnh trang đô thị, dẹp hè phố chăng…
- Tôi đã từng tính toán rất cụ tỉ (cụ thể và tỉ mỉ) rằng, khu vực thương mại này người qua lại đông, mỗi ngày khoảng mười nghìn người, nghèo thì nhiều lắm, nhưng người giàu còn nhiều hơn. Trên phương diện lý luận thì giả như mỗi ngày tôi xin được mỗi người một đồng xu một nghìn đồng, thì mỗi tháng thu nhập của tôi đã được ba trăm triệu đồng. Nhưng thực tế thì đâu phải ai cũng cho ăn mày tiền, mà một ngày làm sao tôi đi xin được mười nghìn lượt người. Vì thế, tôi phải phân tích, ai là khách hàng mục tiêu của tôi, đâu là khách hàng tiềm năng của tôi.
Ông ta lấy giọng nói tiếp:
- Ở khu Plaza này thì khách hàng mục tiêu của tôi chiếm khoảng 30% số lượng người mua sắm, tỉ lệ thành công khoảng 70%. Lượng khách hàng tiềm năng chiếm khoảng 20%, tỉ lệ thành công trên đối tượng này khoảng 50%. Còn lại 50% số người, tôi chọn cách là bỏ qua họ, bởi tôi không có đủ thời gian để tìm vận may của mình với họ, tức là xin tiền họ.
- Thế ông định nghĩa thế nào về khách hàng của ông? – Tôi căn vặn.
- Trước tiên, khách hàng mục tiêu nhé. Thì những nam thanh niên trẻ như anh đấy, có thu nhập, nên tiêu tiền không lưỡng lự. Ngoài ra các đôi tình nhân cũng nằm trong đối tượng khách hàng mục tiêu của tôi, họ không thể mất mặt trước bạn khác phái, vì thế đành phải ra tay hào phóng. Rồi tôi chọn các cô gái xinh đẹp đi một mình là khách hàng tiềm năng, bởi họ rất sợ bị lẽo đẽo theo, chắc chắn họ chọn cách bỏ tiền ra cho rảnh nợ. Hai đối tượng này đều thuộc tầm tuổi 20-30. Nếu tuổi khách hàng nhỏ quá, họ không có thu nhập, mà tuổi già hơn, thì họ có thể đã có gia đình, tiền bạc bị vợ cầm hết rồi. Những ông chồng đó biết đâu có khi đang âm thầm tiếc hận rằng không thể ngửa tay ra xin tiền của tôi ấy chứ!
- Thế thì mỗi ngày ông xin được bao nhiêu tiền?
- Thứ hai đến thứ sáu, sẽ kém một chút, khoảng hai trăm nghìn. Cuối tuần thậm chí có thể 4-500 nghìn.
- Hả? Nhiều vậy sao?
Thấy tôi nghi ngờ, ông ta tính cho tôi thấy:
- Tôi cũng khác gì anh, tôi cũng làm việc tám giờ vàng ngọc. Buổi sáng từ 11h đến tối 7h, cuối tuần vẫn đi làm như thường. Mỗi lần ăn mày một người tôi mất khoảng 5 giây, trừ đi thời gian tôi đi lại, di chuyển giữa các mục tiêu, thường một phút tôi xin được một lần được một đồng xu 1 nghìn, 8 tiếng tôi xin được 480 đồng một nghìn, rồi tính với tỉ lệ thành công 60% [(70%+50%)÷2] thì tôi được khoảng 300 nghìn.
Chiến lược ăn mày của tôi là dứt khoát không đeo bám khách chạy dọc phố. Nếu xin mà họ không cho, tôi dứt khoát không bám theo họ. Bởi nếu họ cho tiền thì đã cho ngay rồi, nếu họ cho vì bị đeo bám lâu, thì tỉ lệ thành công cũng nhỏ. Tôi không thể mang thời gian ăn mày có giới hạn của tôi để đi lãng phí trên những người khách này, trong khi tôi có thể xoay ngay sang mục tiêu bên cạnh.
Trời, tay ăn mày này có đầu óc quá đi, phân tích như thể giám đốc kinh doanh hoặc giám đốc tiếp thị vậy.
- Ông nói tiếp đi! – Tôi hào hứng.
- Có người bảo ăn mày có số may hay xui, tôi không nghĩ thế. Lấy ví dụ cho anh nhé, nếu có một thanh niên đẹp trai và một phụ nữ xinh đẹp đứng trước cửa shop đồ lót mỹ phẩm, thì anh sẽ chọn ai để ăn mày?
Tôi ngẫm nghĩ rồi bảo, tôi không biết.
- Anh nên đi đến xin tiền anh thanh niên kia. Vì đứng bên anh ta là một phụ nữ đẹp, anh ta chẳng lẽ lại không cho ăn mày tiền. Nhưng nếu anh đi xin cô gái đẹp, cô ta sẽ giả vờ là ghê sợ anh rồi lánh xa anh.
Thôi cho anh một ví dụ nữa: Hôm nọ đứng ở cửa siêu thị BigC có một cô gái trẻ tay cầm túi đồ vừa mua từ siêu thị, một đôi nam nữ yêu nhau đang đứng ăn kem, và một anh chàng đóng bộ công chức chỉnh tề, tay xách túi đựng máy tính xách tay. Tôi chỉ nhìn họ ba giây, sẽ không ngần ngừ bước thẳng tới mặt cô gái trẻ xin tiền, cô gái cho tôi hẳn hai đồng xu, nhưng ngạc nhiên hỏi tôi tại sao chỉ xin tiền có mỗi cô ta. Tôi trả lời rằng, cái đôi tình nhân kia đang ăn, họ không tiện rút ví ra cho tiền, anh kia trông có vẻ lắm tiền, trông như sếp nhưng vì thế trên người họ thường không có sẵn tiền lẻ. Còn cô vừa mua sắm ở siêu thị ra, cô tất còn ít tiền thừa, tiền lẻ.
Chí lý, tôi càng nghe tay ăn mày nói càng tỉnh cả người ra.
- Cho nên tôi bảo rồi, tri thức quyết định tất cả!
Tôi nghe sếp tôi nói bao lần câu này, nhưng đây là lần đầu tôi nghe một thằng ăn mày nói câu này.
- Ăn mày cũng phải mang tri thức ra mà ăn mày. Chứ ngày ngày nằm ệch ra ở xó chợ, cầu thang lên đường vượt giao lộ, xin ai cho được tiền? Những người đi qua giao lộ, chạy qua cổng chợ đều vội vàng hoặc cồng kềnh, ai ra đấy mà chơi bao giờ, ra đấy xin chỉ mệt người. Phải trang bị tri thức cho chính mình, học kiến thức mới làm người ta thông minh lên, những người thông minh sẽ không bao giờ ngừng học hỏi kiến thức mới. Thế kỷ 21 rồi, bây giờ người ta cần gì, có phải là cần nhân tài không?
Có lần, có một người cho tôi hẳn 50 nghìn, nhờ tôi đứng dưới cửa sổ gào: “Hồng ơi, anh yêu em”, gào 100 lần. Tôi tính ra gọi một tiếng mất 5 giây, thời gian cũng tương tự như tôi đi ăn mày một lần, nhưng lợi nhuận đạt được chỉ 500 đồng, còn kém đi ăn mày, thế là tôi từ chối.
Ở đây, nói chung một tay ăn mày một tháng có thể đi xin được một nghìn hoặc tám trăm lần. Người nào may mắn thì cùng lắm đi xin được khoảng hai nghìn lần. Dân số ở đây khoảng ba triệu, ăn mày độ chục anh, tức là tôi cứ khoảng mười nghìn người dân mới ăn mày một người. Như thế thu nhập của tôi ổn định, về cơ bản là cho dù kinh tế thế giới đi lên hay đi xuống, tình hình xin tiền của tôi vẫn ổn định, không biến động nhiều.
Trời, tôi phục tay ăn mày này quá!
- Tôi thường nói tôi là một thằng ăn mày vui vẻ. Những thằng ăn mày khác thường vui vì xin được nhiều tiền. Tôi thường bảo chúng nó là, chúng mày nhầm rồi. Vì vui vẻ thì mới xin được nhiều tiền chứ.
Quá chuẩn!
- Ăn mày là nghề nghiệp của tôi, phải hiểu được niềm vui do công việc của mình mang lại. Lúc trời mưa ít người ra phố, những thằng ăn mày khác đều ủ rũ oán trách hoặc ngủ. Đừng nên như thế, hãy tranh thủ mà cảm nhận vẻ đẹp của thành phố. Tối về tôi dắt vợ và con đi chơi ngắm trời đêm, nhà ba người nói cười vui vẻ, có lúc đi đường gặp đồng nghiệp, tôi có khi cũng vứt cho họ một đồng xu, để thấy họ vui vẻ đi, nhìn họ như nhìn thấy chính mình.
- Ối ông cũng có vợ con?
- Vợ tôi ở nhà làm bà nội trợ, con tôi đi học. Tôi vay tiền ngân hàng mua một căn nhà nhỏ ở ngoại thành, trả nợ dần trong mười năm, vẫn còn sáu năm nữa mới trả hết. Tôi phải nỗ lực kiếm tiền, con tôi còn phải học lên đại học, tôi sẽ cho nó học Quản trị kinh doanh, Marketing, để con tôi có thể trở thành một thằng ăn mày xuất sắc hơn bố nó.
Tôi buột miệng:
- Ông ơi, ông có thu nhận tôi làm đệ tử không?


=======================================================

Hà Nội: “chạy” vào công chức không dưới 100 triệu đồng

Tin Đa Chiều - Đăng ngày: 8:46 AM - 08/12/2012 
“Tôi xin mách với các đồng chí lãnh đạo quận, huyện là trưởng phòng nội vụ các quận, huyện đang là đầu mối thu hút việc tiếp nhận hồ sơ và nhận tiền “chạy” của các thí sinh để đỗ công chức và không dưới 100 triệu đồng”.
Ông Trần Trọng Dực, chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội, đã gây sốc cho các đại biểu HĐND TP Hà Nội trong ngày họp cuối cùng (7-12) khi lần đầu tiên công bố “mức giá sàn” để có cơ hội trở thành công chức thủ đô.
Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực: “20-30% cán bộ hưởng lương không đáp ứng được nhiệm vụ” – Ảnh: Xuân Long
“Bây giờ người ta nói dưới 100 triệu đồng không có chuyện đỗ đâu. Còn chạy vào đâu? Đó là chỗ trưởng phòng nội vụ các quận huyện… Nói đến đó là việc rất đau lòng của TP chúng ta, nhưng đây là thực trạng đang tồn tại” – đại biểu Trần Trọng Dực chua chát nói.
Ông cũng cho rằng bên trong và đằng sau việc thi công chức còn nhiều việc phải bàn. “Có trường hợp thí sinh làm bài không sai một dấu chấm, dấu phẩy so với đáp án. Điểm tối đa 100%, không trừ được một phẩy nào, tôi thử hỏi việc thi công chức như vậy thì chất lượng ra làm sao, trách nhiệm trong quản lý thi như thế nào?”.
Là thành viên trong hội đồng thi công chức khối Đảng và đoàn thể Hà Nội, ông Dực kể: “Chúng tôi làm rất nghiêm túc, công phu từ khi ra đề, quản lý đề, phát đề, trông thi và giám sát giáo viên chấm thi nhưng vẫn phát hiện hai giáo viên đánh dấu vào bài của thí sinh để chấm, phải yêu cầu lãnh đạo Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong kiểm điểm trách nhiệm hai người này. Việc như vậy phản ánh một điều, chất lượng thi công chức của chúng ta không ổn tí nào”.
Không giấu “chuyện trong nhà”, ông chia sẻ: “Riêng cơ quan tôi, chúng tôi đánh giá có khoảng 30% cán bộ công chức làm việc tốt, 35% cán bộ công chức làm việc khá và trung bình, còn lại là giao việc không yên tâm… Luôn có từ 20-30% cán bộ công chức của chúng ta đang hưởng lương nhà nước nhưng không đáp ứng được tình hình, nhiệm vụ của Nhà nước giao. Cơ quan, đơn vị nào cũng thấy bức xúc mà không giải quyết được vì động chạm đến lợi ích, quyền lợi. Nếu chúng ta không đánh giá đội ngũ cán bộ để đào tạo, đào tạo lại, sắp xếp cho hợp lý thì xin thưa, biên chế không bao giờ giảm được”.
Trước băn khoăn của đại biểu HĐND, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết thực tế cán bộ và công tác cải cách hành chính của TP có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. “Năm 2013, UBND TP xác định là năm kỷ cương hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm phục vụ nhân dân” – ông Thảo khẳng định.
Ông Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh năm 2013 TP Hà Nội sẽ thực hiện nghiêm việc tiết kiệm và “cắt” những khoản chi không cần thiết. Đó là không mua ôtô con, không xây dựng trụ sở mới, không đi học tập và công tác nước ngoài khi chưa thật sự cần thiết. Ông Thảo cũng cho biết thường trực Thành ủy đã gửi sang thống kê cắt giảm chương trình đi học tập và công tác nước ngoài khi chưa cần thiết của năm 2013. Theo đó, TP sẽ tiết kiệm được tổng kinh phí là 81 tỉ đồng. Toàn bộ phần này chuyển vào chương trình xây dựng nông thôn mới trong năm 2013
Trước khi bế mạc kỳ họp thứ 6, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết tổng biên chế hành chính, sự nghiệp của TP năm 2013 với 10.938 biên chế hành chính, trong đó có 9.293 biên chế công chức; thông qua nghị quyết về chương trình giám sát của HĐND TP năm 2013.


========================================================

3 đầu tàu kinh tế hụt thu trong một kỷ lục 37 năm.

Ngay trong phiên khai mạc HĐND TP HCM, thông tin lần đầu tiên sau 37 năm, chỉ tiêu thu ngân sách TP không đạt giống như một trái bom làm rung động nền kinh tế. Đây quả thực là “Trái bồ hòn” khó nuốt với địa phương chiếm 25% GDP của cả nước. Nếu ví TP HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước thì rõ ràng, với 6 chỉ tiêu không đạt, trong đó, chỉ tiêu thu ngân sách không đạt lần đầu tiên kể từ khi thống nhất đất nước, chiếc đầu tàu này đang trì trệ trầm trọng. Nhìn sang Đà Nẵng, số thu ngân sách chỉ đạt 81% trong bối cảnh KT-XH được Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đánh giá là “đối mặt với những khó khăn chưa từng có”. Thủ đô Hà Nội cũng không phải là ngoại lệ khi thu ngân sách cũng là chỉ tiêu không đạt với tình hình KT-XH, nói như Chủ tịch HĐND TP là “bộc lộ nhiều yếu kém”. Với chỉ số thu của 3 đầu tàu kinh tế, sẽ chẳng quá lời nếu nói rằng đoàn tàu kinh tế đang khủng hoảng kể từ khi đất nước thống nhất, năm 1975. Cái thiếu, có lẽ chỉ là một mức lạm phát phi mã nữa mà thôi.
Câu hỏi vì sao thực ra không khó để trả lời. Riêng tại đầu tàu TP HCM, chỉ tiêu thu tăng 33% trong bối cảnh kinh tế lâm vào tình trạng đình trệ. Và cơ bản nhất có ý nghĩa như “chiếc đinh cuối cùng” đóng lên “cỗ quan tài ngân sách” là con số 17 ngàn DN đã “chết”. Nhưng có lẽ, con số 17 ngàn này chỉ là cái đỉnh của tảng băng. Con số các DN mà các vị ĐB HĐND gọi là “bất tỉnh nhân sự” thì quả thực không thống kê được. Câu chuyện không hấp thụ được vốn chỉ là một vế của vấn đề. Bởi có vốn hay không, và vốn với lãi suất bao nhiêu, DN có thể “tiêu hóa” được hay không mới là vấn đề chính.
Trong ngày “trái bồ hòn ngân sách” được nói tới, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia đưa ra một kiến nghị mang tính giải pháp cho toàn bộ nền kinh tế. Đó là việc cần phải hạ lãi suất cơ bản (LSCB) xuống 8% và khống chế trần lãi suất cho vay không vượt quá 150% LSCB. Đây là một kiến nghị mang ý nghĩa như một “hành động quyết liệt và cụ thể”, chứ không phải chỉ dừng ở những tuyên bố, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, ĐBQH Trần Du Lịch thì tha thiết mong QH giảm thuế thu nhập DN xuống còn 20% để cộng đồng DN không chết ngay trên sân nhà. Còn ĐBQH Trần Hoàng Ngân đã nói tới thực trạng DN Việt Nam đang phải chịu mức lãi suất cao hơn các nước trong khu vực từ 2-3 lần. Hôm qua, mức lãi này được “quy đổi cụ thể”, bằng một tính toán, rằng với giá đồng vốn đắt đỏ như vậy, một mặt hàng “made in Viet Nam” đang cao hơn so với Ấn Độ 2%; Thái Lan 2,51%; Trung Quốc 2,6%; Singapore 2,8%…
Lãi cắt cổ, hàng hóa đắt đỏ, ế ẩm, thuế vừa cao vừa nhiều, DN còn tiền để đóng thuế, các đầu tàu kinh tế đạt chỉ tiêu thu ngân sách mới là chuyện lạ.
Giảm LS để DN có thể có được, và “tiêu hóa” được đồng vốn, giảm thuế, để hiệu quả một đồng vốn vay từ ngân hàng ít nhất cũng lớn hơn đồng thuế, có lẽ bây giờ chính là liều thuốc hồi sinh cho cả cộng đồng DN, nơi 70% DN “bất tỉnh nhân sự” còn lại đang tự ăn thịt mình để cầm hơi. Chỉ có điều, CP có quyết giảm hay không, giảm ngoài thực tế hay giảm trên giấy tờ của các ngân hàng, lại là chuyện của thì tương lai.
Quả bóng đang ở trong chân Chính phủ. Cái còi Chính phủ cũng đang cầm trong tay.
Theo daotuanddk


Người dân Trung Quốc ngơ ngác với “đường lưỡi bò”

Tin Đa Chiều - Đăng ngày: 8:45 AM - 11/12/2012 1 Ý kiến

Ông Carlyle Thayer, một chuyên gia về Biển Đông thuộc trường Đại học New South Wales ở Australia
Trung Quốc vừa tiếp tục khuấy đảo sóng gió ở Biển Đông bằng việc đưa ra một luật mới cho phép cảnh sát được chặn và bắt giữ tàu thuyền “đi lại bất hợp pháp” trong phần lớn vùng lãnh hải ở Biển Đông mà nước này tự nhận là thuộc chủ quyền của mình.
Khi mà cộng đồng thế giới trông chờ Trung Quốc, với tư cách một cường quốc mới nổi và cũng là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, trưởng thành hơn và xứng đáng với vị trí lãnh đạo trên trường quốc tế thì chính sách ngoại giao mập mờ, khó hiểu và thiếu nhất quán của Trung Quốc ở Biển Đông đang gây rối loạn và làm leo thang căng thẳng trên khắp khu vực. Đây là nhận định của tờ South China Morning Post (Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam) – một tờ báo có trụ sở ở Hồng Kông.
Việt Nam và Philippines – hai nước có tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc, đều đã lên tiếng phản đối gay gắt quy định mới mà tỉnh Hải Nam của Trung Quốc vừa đặt ra. Ấn Độ – nước đang cùng khai thác dầu khí ở Biển Đông với Việt Nam, hồi tuần trước, cũng tuyên bố, nước này sẵn sàng triển khai các tàu hải quân ở khu vực để bảo vệ lợi ích. Trong khi đó, Mỹ – cường quốc số một thế giới, công khai yêu cầu Bắc Kinh làm rõ về luật mới nếu có.
“Luật mới thực sự không rõ ràng đối với hầu hết các nước. Cho đến khi chúng tôi chưa thực sự hiểu những quy định đó có ý nghĩa gì thì chúng tôi chưa thể bình luận. Trước hết, chúng tôi cần Trung Quốc làm rõ về luật đó, về phạm vi, về mục đích và tầm bao phủ của luật này”, Đại sứ Mỹ tại thủ đô Bắc Kinh – ông Gary Locke tuần trước đã nói như vậy.
Thực tế về việc một chính phủ địa phương có thể đơn phương làm trầm trọng thêm một trong những vấn đề ngoại giao nhạy cảm nhất đã cho thấy sự rối loạn và đầy nguy cơ tiềm năng trong quá trình lập chính sách của Trung Quốc trong lĩnh vực này, các nhà phân tích nhận định.
“Nó cho thấy chính sách ngoại giao của Trung Quốc thực sự rối loạn khi đề cập đến vấn đề Biển Đông”, một nhà ngoại giao phương Tây cho biết.
Theo một báo cáo của Nhóm Khủng khoảng Quốc tế (ICG) đưa ra hồi năm nay, không ít hơn 11 thực thể chính quyền địa phương – từ cơ quan du lịch đến hải quan, có thể đóng một vai trò trong tranh chấp Biển Đông của Trung Quốc. Theo ICG, tất cả đều có khả năng hành động, gây ra những rắc rối ngoại giao. Đó chính xác là điều đã xảy ra trong trường hợp của tỉnh Hải Nam. Ông Wu Shicun, quan chức cấp cao thuộc văn phòng đối ngoại của tỉnh, cho biết, ông nghĩ các luật mới sau khi được hội đồng địa phương thông qua đã được trình lên Bắc Kinh xem xét.
Tuy nhiên, khi bị truy hỏi dồn dập, ông Wu lại nói, do ông này không phải là một thành viên trong hội đồng địa phương nên ông không chắc là liệu Bắc Kinh trên thực tế đã được trình xem luật trên trước khi nó được đưa vào áp dụng chính thức hay chưa.
Một nhân tố phức tạp trong việc tranh giành đòi chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc là nước này bản thân cũng để yêu sách đường 9 đoạn của họ thực sự mập mờ. Đường 9 đoạn xâm lấn vào một loạt vùng lãnh hải, lãnh thổ của Việt Nam và một số nước khác đã vấp phải sự phản đối không chỉ của các nước liên quan mà của cả rất nhiều học giải trên thế giới
Ông Carlyle Thayer, một chuyên gia về Biển Đông thuộc trường Đại học New South Wales ở Australia, cho biết, trong 26 hội thảo quốc tế mà ông từng tham gia trong 2 năm qua, rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra cho các học giả Trung Quốc về ý nghĩa của đường lưỡi bò nhưng không có câu trả lời rõ ràng nào được đưa ra.
“Không ai ở Trung Quốc có thể nói chính xác đường lưỡi bò có nghĩa gì. Trung Quốc đang tranh giành chủ quyền ở một khu vực mà không ai biết. Bản thân nó đã mập mờ”, ông Thayer cho biết.
Theo lập luận của một số nhà phân tích, sự mập mờ trên tạo cho Bắc Kinh một khoảng trống để nước này có thể thỏa hiệp nếu các cuộc tranh chấp leo thang.
Kiệt Linh – (theo South China Morning Post, vnmedia)

===================================================================

Muốn làm quan thời nay phải học thuộc những câu trả lời này:

Quan chức và các chiêu ‘chạy’ câu hỏi hóc

Published on December 13, 2012.


Khi được chất vấn trong các cuộc họp, một số vị quan chức đã có những câu trả lời rất bài bản, như trong sách vở, nhưng lại thiếu sức thuyết phục.

Lâu nay, trước nhiều vụ tham nhũng, vô trách nhiệm của cơ quan nhà nước hoặc công chức xâm phạm quyền lợi của dân hoặc vi phạm luật pháp, khi được chất vấn trong các cuộc họp, một số vị quan chức đã có những câu trả lời rất bài bản, như trong sách vở, nhưng lại thiếu sức thuyết phục, vì không dám thẳng thắn nhận trách nhiệm, nhất là trách nhiệm cá nhân.
Người hỏi thường đoán trước được câu trả lời, nhưng vì bức xúc trước trách nhiệm của quan chức, cho nên vẫn cứ hỏi cho ra lẽ, nghe trả lời xong thường mỉm cười và lắc đầu. Bài này liệt kê lại những loại trả lời ấy như những “điệp khúc … buồn” mong sớm được chấm dứt.
“Chưa nắm được, chưa được báo cáo“. Đó là câu trả lời khá phổ biến, tuy vụ việc xảy ra ngay trên địa bàn quận, huyện. Như: giao đất, cho thuê đất; cưỡng chế người dân đang có quyền sử dụng đất; lâm tặc phá rừng, vận chuyển gỗ lậu; khai thác khoáng sản trái phép; xây dựng không phép hoặc cất nhà ở vượt nhiều tầng so với giấy phép; người nước ngoài thuê người trong nước thu gom nông, hải sản, khai thác mặt nước,. v.v…
Thực tế là họ không phải không biết, vì vụ việc xảy ra ngay trước mặt họ và mỗi quận, phường, xã, đang có cả một bộ máy đông đúc cán bộ, nhân viên thanh tra, kiểm tra, họ biết cả, nhưng vì những lý do tế nhị hoặc “tay đã nhúng chàm” cho nên họ đành phải thoái thác như vậy.
“Đề nghị cung cấp chi tiết vụ việc” hoặc “cung cấp cho cơ quan chức năng danh tính, thời gian, địa điểm công chức vi phạm hoặc chụp ảnh công chức khi họ đang vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý ngay” …
Đây có thể coi là một sự “đánh đố” với người phát hiện, vì hoặc là khó thực hiện hoặc là có thể thực hiện được nhưng sẽ bị trả thù (đã có phóng viên bị dính tai nạn nghề nghiệp khi muốn có bằng chứng người thật, việc thật).
Câu này thường được dùng để trả lời khi có ý kiến chất vấn về những vụ việc như tệ nạn mãi lộ dọc đường vận chuyển hàng hóa; nhân viên hải quan gây khó dễ cho doanh nghiệp; nhân viên y tế nhận phong bì của người bệnh, v.v…
“Sẽ (hoặc đang) kiểm tra, đôn đốc cấp dưới báo cáo“. Đây là câu trả lời của vị quan chức lãnh đạo ngành trong trường hợp thực sự không nắm được vụ việc, nhưng cũng có khi họ đã biết chắc là có vụ việc ấy xảy ra (nhưng không tiện nói ra) thực chất là để trốn tránh trách nhiệm, không dám nói thẳng nguyên nhân để vụi việc kéo dài, không xử lý dứt điểm được. Ví dụ như những trường hợp tệ nạn xã hội diễn ra liên tiếp năm, này qua năm khác; ở một thành phố, có công viên bị xé nát làm nhà hàng, dịch vụ đã được phát hiện từ nhiều năm, qua nhiều cuộc họp, nhưng vẫn không dẹp được. Thế rồi, năm tháng qua đi, đến cuộc họp sau, tình hình vẫn nguyên như cũ, và nếu hỏi, lại nhận được câu trả lời như thế.

“Khó phát hiện hoặc xử lý, vì thiếu cơ chế hoặc cơ chế chưa đầy đủ”. Đây là câu trả lời để biện hộ cho việc cơ quan chức năng biết rõ sự việc, nhưng có khi làm ngơ hoặc do lợi ích nhóm, đã không báo cáo cấp trên hoặc không xử lý đến nơi đến chốn. Do đó, yêu cầu hoàn chỉnh cơ chế, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật, tuy rõ là việc này chưa thể thực hiện sớm được, vì còn đợi sự nhất trí của các bộ, ngành liên quan. Rồi lại yêu cầu tăng mức xử phạt để “tăng mức răn đe”, song thực tế là với cách xử phạt như hiện nay (ví dụ như phạt người vi phạm giao thông) thì mức phạt càng cao, mức chung chi, “làm luật” cũng càng cao.
“Lực lượng mỏng, phương tiện thiếu” cũng thường được dùng làm câu trả lời cho tình trạng các vị phạm không giảm được bao nhiêu, lại ngày một nhiều. Ví như nạn buôn lậu gia súc, gia cầm đang gia tăng ở một số tỉnh từ biên giới về Hà Nội và đi các địa phương khác; việc thanh tra vệ sinh, an toàn thực phẩm; thanh tra các vụ xây dựng đường sá kém chất lượng, nhanh chóng xuống cấp…
Cơ quan chức năng không chỉ yêu cầu tăng thêm người, mà còn yêu cầu mua sắm thêm cả phương tiện hiện đại khá tốn kém để kiểm tra, phát hiện, đánh giá mức độ nghiêm trọng, song tác dụng thực tế chưa thấy rõ.
“Sẽ kỷ luật nghiêm túc tổ chức, cá nhân vi phạm”, kèm theo là “sẽ xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật … Câu trả lời này đã thể hiện sự nghiêm túc của cơ quan nhà nước trước những sai phạm.
Tuy nhiên, trong thực tế, sự việc lại không được diễn ra nghiêm túc như trả lời, tình trạng “chạy tội”, “chạy án” thường xảy ra, kẻ tham nhũng vẫn nhởn nhơ trước vòng pháp luật. Vẫn còn tình trạng “chỉ tắm từ vai trở xuống”, hoặc nhẹ nhàng đối với doanh nghệp sử dụng đất sai mục đích song lại “kiên quyết” đối với người dân, thậm chí cưỡng chế (như một đại biểu đã nêu lên tại cuộc họp HĐND Tp Hà Nội ngày 7-12-2012).
Lại có những trường hợp thực hiện “rất đúng quy trình, thủ tục” như trong việc điều động cán bộ, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, song thực tế lại có nhiều sai sót, người xấu vẫn có thể leo cao.
“Chúng tôi xin lỗi, xin nhận trách nhiệm”. Đây là câu trả lời thể hiện sự nghiêm túc của cơ quan nhà nước trước đồng bào, cử tri cả nước, rất đáng hoan nghênh, về những sai sót, khuyết điểm của cơ quan và công chức liên quan.
Tuy nhiên, tiếp theo lời xin lỗi, nhận trách nhiệm rất chung chung như vậy, nhân dân mong có sự sửa chữa cụ thể, từ việc kịp thời sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cho đến việc tinh gọn bộ máy, chỉnh đốn đội ngũ, nhất là thanh lọc những cá nhân công chức thoái hóa, biến chất, tham nhũng đang làm hoen ố bộ mặt của một Nhà nước pháp quyền “của dân, do dân và vì dân”. Trách nhiệm của người đứng đầu cần được làm rõ.
Nếu những biện pháp xử lý kẻ tham nhũng không được thực hiện triệt để, thì các câu xin lỗi và nhận trách nhiệm cũng chỉ là hình thức, cho qua chuyện.
“Cần cả hệ thống chính trị vào cuộc”. Đây là câu trả lời thường được sử dụng trong nhiều trường hợp. Câu trả lời này không sai, nếu xét về lý luận vì việc nào cũng cần động viên hệ thống chính trị vào cuộc, song lại dễ dung túng, bao che trách nhiệm cụ thể, trực tiếp của cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ, vì hệ thống chính trị chỉ có chức năng giáo dục, thuyết phục, không có chức năng thi hành pháp luật như cơ quan nhà nước.
Hệ thống chính trị vào cuộc trước hết là trong các hoạt động giám sát, phản biện xã hội nhằm hoàn thiện thể chế, chính sach, để quyền và lợi ích chính đáng của người dân được tôn trọng, để những vụ vi phạm pháp luật, tham nhũng được xử lý nghiêm túc. Còn việc phát hiện và xử lý các vụ việc tham nhũng là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, không thể lẫn lộn.
Trên đây, chỉ xin nêu một số loại câu trả lời thường gặp; trong thực tế, còn phong phú hơn nhiều. Điều xin được nhấn mạnh là cần nêu rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng, nhất là trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, không nên tiếp tục các kiểu trả lời như là những “điệp khúc … buồn” như lâu nay.
Đây là trách nhiệm của cơ quan nhà nước trước dân, trách nhiệm của những công chức do dân đóng thuế nuôi họ, họ phái hoàn thành những nhiệm vụ được giao, không thể thoái thác, càng không thể bao che, dung túng và tiếp tay cho những hành vi tham nhũng, vô trách nhiệm xâm hại lợi ích chính đáng của dân hoặc làm nghèo đất nước.
Rất hoan nghênh là gần đây, đã thấy rõ một số ý kiến rất thẳng thắn như thế. Trước nạn cướp giật ở Thành phố Đà Nẵng, tại cuộc họp Hội đồng nhân dân Tp Đà Nẵng ngày 15-12-2012, Bí thư Thàng ủy Nguyễn Bá Thanh đã phát biểu “Vấn đề là phải có người chịu trách nhiệm cá nhân, chứ không thể cuối cùng rồi hòa cả làng. Ở các nước, nếu xảy ra cướp giật nhiều như thế thì tư lệnh cảnh sát phải từ chức. Không từ chức không xong với các nghị sĩ đâu. Không có chuyện đá lung tung, cứ từ họ Nguyễn, họ Lê chuyển sang họ … Đỗ hết” (theoZing.VN/Infonet.vn, ngày 6-12-2012) – theo dân địa phương: Ông Thanh dùng chữ “họ Đỗ” mà người Quảng phát âm thành “đổ” để chỉ sự đổ lỗi trách nhiệm quanh co, lung tung.
Theo Tuanvietnam

LỊCH XUÂN THÌ 2013

LỊCH XUÂN THÌ 2013 
















Trao đổi Kỹ thuật Thiết kế Blog

Trao đổi Kỹ thuật Thiết kế Blog

1- Lập hòm thư Gmail
  Vào địa chỉ  https://accounts.google.com/
Tại đây nếu bạn chưa có tài khoản trong Gmail thì bạn sẽ tạo bằng cách nhấn vào SIG UP và bắt đầu thực hiện theo chủ dẫn.
Khi khai đến điện thoại bạn nên khai đũng số Di động bạn đang dùng và để cạnh bên để nhận trả lời của họ qua tin nhắn
Điện chỉ Mail bạn khai địa chỉ thương dùng của bạn. Địa chỉ Yahoo cũng được. Sau đó bạn đánh đúng các chữ để họ kiểm tra.
rồi nhấn vào ô Tôi đồng và nhấn vào Tiếp. Nếu phần kê khai trên cs gì sai thì họ quay lại để yêu cầu bạn sửa. Nếu đúng thì bạn sang trang mới. Ở đây bạn chờ để nhận tin nhắn gửi đến Mobay của bạn báo cho bạn mã khiểm tra. Bạn điền mã kiểm tra này vào. Việc đang ký tài khpanr Mail của bạn đã hoàn tất.
Bạn bắt đầu bàm việc với tài khoản của bạn. Việc đầu tiên là đưa ảnh của bạn vào. Bạn cần chuẩn bị sẵn một ảnh chân dung của bạn có khích cỡ khoản 300V300px. để đưa vào. Nhẫn Next và được báo là đã bắt đầu làm việc với Mail mới của mình rồi.
2- Tạo Blog mới
Bạn nhấn vào 
http://www.blogger.com
Một bảng hiện ra để bạn đang nhập vào bằng Pass Word của bạn. Lúc này Blogger có bản chào mừng bạn đã đến với ảnh . Bạn nhấn vào " Tiếp tục với Blogger" để đi tiếp. Nhấn vào Blog Mới để bắt đầu tạo.
 bạn phải điền vào các mục : Tiêu đề là tên Blog, nó sẽ hiện lên nên bạn chọn sao cho đẹp. Ví dụ : Blog của ( tên ban).. hay Blog's (tên ban)
- Địa chỉ : bạn chọn một địa chỉ cho dễ nhớ, nhưng thường bị nhắc nhở là địa chỉ này đã có rồi. Thực ra thì họ hay nói sai. Nếu thấy vô lý thì bạn cứ nhấn vào chữ Tạo Blog phía dưới để tiếp tục. Nếu việc khởi tạo thành công thì trang Blog của bạn sẽ xuất hiện. Tại đây ở phá tay phải có chữ xem Blog. Nhấn vào đó bạn sẽ nhìn thấy Blog mới của mình còn đang tróng trơn và chưa có bài viết nào. Bạn hãy bắt đầu một vài thiết kế tối thểu và đưa bài viết đầu tiên vào.

Cô gái hái chè

Cô gái hái chè 


image


Trong kho tàng ca dao VN, phần lớn các câu ca dao dùng để tả những sinh hoạt cộng đồng, hay đề cao những đức tính tốt nhằm mục đích khuyên nhủ người đời.. Thế nhưng, thỉnh thoảng chúng ta vẫn bắt gặp những câu ca dao có tính cách tương phản với nền nếp đạo đức thông thường, ngầm ý nghĩa khuyên đời một cách hóm hỉnh, ví dụ như 4 câu ca dao của cô gái lẳng lơ tự bào chữa sau :

Chính chuyên chết cũng ra ma
Lẳng lơ chết cũng đem ra ngoài đồng
Chính chuyên chết phải đi không
Lẳng lơ chết có tiếng cồng, tiếng chiêng

Ở miền Bắc, vùng Thái Nguyên VN có những đồi chè được trồng trên đồi núi và công việc thu hoạch được đảm đương bởi phụ nữ, do đó mà có những câu ca dao khuyên nhủ các cô gái khi đi hái chè, hái xong lo về chớ đừng bị gạ gẫm dụ dỗ, lúc nào cũng cảnh giác các cạm bẫy của cuộc đời :

Người ngoan lên núi hái chè
Hái dăm ba lá xuống khe ta ngồi,
Chim khôn chết mệt về mồi,
Người khôn chết mệt về lời nhỏ to
Chim khôn tránh lưới tránh dò
Cá khôn tránh lưới, lững lờ mắc đăng

Câu chuyện về Cô Gái Hái Chè gặp "thằng phải gió" dưới đây diễn tả một sự việc xảy ra trên một đồi chè ngoài ý muốn của cô gái, thế nhưng cái hay của đoạn ca dao là lột trần được cái tương phản của tâm lý con người.

Cô Gái Hái Chè (Chính Bản Ca Dao)

Hôm qua em đi hái chè
Gặp thằng phải gió nó đè em ra
Em lạy mà nó chẳng tha
Nó đem đút cái mả cha nó vào
Bấy giờ em biết làm sao ?
Nếu em càng giẫy nó vào thêm sâu
Cái gì như thể củ nâu
Cái gì như cái cần câu vật vờ

Đoạn ca dao trên là  lời tự thuật của một cô gái hái chè với cô bạn gái khác về sự cố bị một thằng thanh niên nào đó cưỡng hiếp, thay vì oán giận người đã cướp đi cái trinh tiết qúi giá của mình. Cô  hái chè này lại có thái độ đỏng đảnh khi kể lại các tình tiết diễn biến:

Hôm qua em đi hái chè
Gặp thằng phải gió nó đè em ra

Đọc hai câu mở, ta có cảm tưởng như cô gái kể về một câu chuyện thường nhật như hôm qua đi chợ, đi chơi hội….., nhất là chữ “thằng phải gió” được dùng ở đây như một tiếng trách yêu.

Em lạy mà nó chẳng tha
Nó đem đút cái mả cha nó vào

Đến đây, ta thấy “sự phản kháng “này rất tiêu cực, sao chỉ lạy suông thôi mà không tỏ thái độ quyềt liệt hơn như cào cấu, cắn xé  v..v.., chữ  “mả cha nó” là một tiếng chửi trong ngôn ngữ bình dân nhưng nếu dùng để ám chỉ cái “ấy” thì thật là hay vô cùng, nghe như một tiếng mắng yêu.

Bấy giờ em biết làm sao ?
Nếu em càng giẫy nó vào thêm sâu

Đến đây, cô gái biện hộ cho sự phản kháng yếu ớt của mình, càng giẫy thì càng không lợi nên đành tiêu cực cam phận nằm im.

Cái gì như thể củ nâu
Cái gì như cái cần câu vật vờ

Hai câu này mới đọc tưởng như hai câu ngô nghê của đoạn ca dao, nhưng khi đọc kỹ lại ta mới thấy cái thâm thúy của người xưa. Chữ “củ nâu” tức củ ấu dùng để so sánh một vật sần sùi cứng ngắt, chữ vật vờ để chỉ một trạng thái xập xìu. Như vậy đoạn này đã ngầm tả trạng thái thụ động tiêu cực từ đầu đến đuôi kèm theo những nhận xét tinh tế của cô gái. Chính vì cái tâm lý tương phản đó mà có những đoạn ca dao “Hậu Bản” lưu truyền trên internet.


Cô Gái Hái Chè - Hậu Bản


Hôm sau em đến vườn chè
Kiếm thằng phải gió em đè nó ra
Nó lạy rối rít xin tha
Nhưng em cứ đút mả cha nó vào
Bây giờ mới sướng làm sao
Nên em càng giẫy cho vào thêm sâu
Giẫy sao cho dập củ nâu
Giẫy sao cho gẫy cần câu vật vờ


Cô Gái Hái Chè - Mười Năm Tái Ngộ

Mười năm thắm thoát trôi qua
Gặp lại phải gió nó già hơn xưa
Mừng như nắng hạn gặp mưa
Em đè nó xuống em lùa chim ra
Nó nằm nó khóc nó la
Em ngồi em bóp mả cha ngày nào
Khi xưa củ cứng cần cao
Ngày nay củ xẹp cần dâu cần xìu


Thằng Phải Gió Thẫn Thờ

Sáng nay ngồi nấu nước chè
Nhớ lại chuyện cũ nó đè trong tim
Ngồi buồn ngó xuống con chim
Xưa sao hùng dũng giờ im thế này
Lắc qua lắc lại mỏi tay
Nó vẫn ủ rũ ngây ngây khờ khờ
Hỡi người em gái xóm mơ
Cần câu còn đó mồi trơ..... hết rồi 


Để viết tiếp đoạn kết cho có hậu, “thằng Phải Gió” vượt biên, vinh quy bái tổ về làng, tay lủng lẳng bị đô la, túi đầy thuốc Viagra.

"Thằng Phải Gió" sau khi vượt biên

“Phải Gíó” mang mã Việt kiều
Viagra đầy túi làm liều kiếm em
Tủm tỉm nó nốc hai viên
Mả cha nó đứng chỉ thiên lên liền
Cả giờ nó lắc như điên
Ối giời !!! sao sướng như tiên thế này
Mười năm nắn bóp rã tay
Nó lắc cho bõ những ngày xuội lơ !