Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

Bài học Marketing từ Người ăn xin

Bài học Marketing từ Người ăn xin

  Đăng ngày: 1:35 PM - 13/12/2012 

Tôi xách túi đồ nhãn hiệu Levi’s ra khỏi Plaza rồi đứng lại ở cửa chờ bạn. Một tay ăn mày chuyên nghiệp phát hiện ra tôi, sán tới đứng trước mặt. Câu chuyện của tôi chỉ có thế thôi. Thế nhưng tay ăn mày đã dạy tôi một bài học kinh tế còn sâu sắc hơn một khoá học tại chức kinh tế ở trường. Tôi kể câu chuyện này chính bởi ý nguyện của tay ăn mày đó.
- Xin anh… cho tôi ít tiền đi! – Tôi đứng đó chả có việc gì nên tiện tay vứt cho hắn đồng tiền xu, rồi bắt chuyện cùng nhau.
Ăn mày rất thích kể lể.
- Tôi chỉ ăn mày quanh khu mua sắm này thôi, anh biết không? Tôi chỉ liếc một phát là thấy anh ngay. Đi mua Levi’s ở Plaza chắc chắn nhiều tiền…
- Hả? Ông cũng hiểu đời phết nhỉ! – Tôi ngạc nhiên.
- Làm ăn mày, cũng phải ăn mày cho nó có khoa học. – Ông ta bắt đầu mở máy.
Tôi ngẫm nghĩ một lát, thấy thú vị bèn hỏi:
- Thế nào là ăn mày một cách khoa học?
Tôi nhìn kỹ ông ta, đầu tóc rối bù, quần áo rách nát, tay gầy giơ xương, nhưng lại sạch sẽ.
Ông ta giảng giải:
- Ai chẳng sợ và ghét ăn mày, nhưng tôi tin anh không ghét tôi, tôi đoan chắc điều đó. Đấy là điểm tôi khác biệt với những thằng ăn mày khác.
Tôi gật đầu đồng ý, đúng là tôi không ghét ông ta, nên tôi đang nói chuyện với ông ta đấy thôi.
- Tôi biết phân tích SWOT, những ưu thế, bất lợi, những cơ hội và nguy cơ. Đối mặt với những thằng ăn mày là đối thủ cạnh tranh của tôi, ưu thế (Strengths) của tôi là tôi không làm người ta phản cảm, lánh sợ. Cơ hội (Opportunities) và nguy cơ (Threats) thì chỉ là những yếu tố điều kiện bên ngoài thuộc về hoàn cảnh, có thể là dân số ở đây đông hay vắng, thành phố có quyết định chỉnh trang đô thị, dẹp hè phố chăng…
- Tôi đã từng tính toán rất cụ tỉ (cụ thể và tỉ mỉ) rằng, khu vực thương mại này người qua lại đông, mỗi ngày khoảng mười nghìn người, nghèo thì nhiều lắm, nhưng người giàu còn nhiều hơn. Trên phương diện lý luận thì giả như mỗi ngày tôi xin được mỗi người một đồng xu một nghìn đồng, thì mỗi tháng thu nhập của tôi đã được ba trăm triệu đồng. Nhưng thực tế thì đâu phải ai cũng cho ăn mày tiền, mà một ngày làm sao tôi đi xin được mười nghìn lượt người. Vì thế, tôi phải phân tích, ai là khách hàng mục tiêu của tôi, đâu là khách hàng tiềm năng của tôi.
Ông ta lấy giọng nói tiếp:
- Ở khu Plaza này thì khách hàng mục tiêu của tôi chiếm khoảng 30% số lượng người mua sắm, tỉ lệ thành công khoảng 70%. Lượng khách hàng tiềm năng chiếm khoảng 20%, tỉ lệ thành công trên đối tượng này khoảng 50%. Còn lại 50% số người, tôi chọn cách là bỏ qua họ, bởi tôi không có đủ thời gian để tìm vận may của mình với họ, tức là xin tiền họ.
- Thế ông định nghĩa thế nào về khách hàng của ông? – Tôi căn vặn.
- Trước tiên, khách hàng mục tiêu nhé. Thì những nam thanh niên trẻ như anh đấy, có thu nhập, nên tiêu tiền không lưỡng lự. Ngoài ra các đôi tình nhân cũng nằm trong đối tượng khách hàng mục tiêu của tôi, họ không thể mất mặt trước bạn khác phái, vì thế đành phải ra tay hào phóng. Rồi tôi chọn các cô gái xinh đẹp đi một mình là khách hàng tiềm năng, bởi họ rất sợ bị lẽo đẽo theo, chắc chắn họ chọn cách bỏ tiền ra cho rảnh nợ. Hai đối tượng này đều thuộc tầm tuổi 20-30. Nếu tuổi khách hàng nhỏ quá, họ không có thu nhập, mà tuổi già hơn, thì họ có thể đã có gia đình, tiền bạc bị vợ cầm hết rồi. Những ông chồng đó biết đâu có khi đang âm thầm tiếc hận rằng không thể ngửa tay ra xin tiền của tôi ấy chứ!
- Thế thì mỗi ngày ông xin được bao nhiêu tiền?
- Thứ hai đến thứ sáu, sẽ kém một chút, khoảng hai trăm nghìn. Cuối tuần thậm chí có thể 4-500 nghìn.
- Hả? Nhiều vậy sao?
Thấy tôi nghi ngờ, ông ta tính cho tôi thấy:
- Tôi cũng khác gì anh, tôi cũng làm việc tám giờ vàng ngọc. Buổi sáng từ 11h đến tối 7h, cuối tuần vẫn đi làm như thường. Mỗi lần ăn mày một người tôi mất khoảng 5 giây, trừ đi thời gian tôi đi lại, di chuyển giữa các mục tiêu, thường một phút tôi xin được một lần được một đồng xu 1 nghìn, 8 tiếng tôi xin được 480 đồng một nghìn, rồi tính với tỉ lệ thành công 60% [(70%+50%)÷2] thì tôi được khoảng 300 nghìn.
Chiến lược ăn mày của tôi là dứt khoát không đeo bám khách chạy dọc phố. Nếu xin mà họ không cho, tôi dứt khoát không bám theo họ. Bởi nếu họ cho tiền thì đã cho ngay rồi, nếu họ cho vì bị đeo bám lâu, thì tỉ lệ thành công cũng nhỏ. Tôi không thể mang thời gian ăn mày có giới hạn của tôi để đi lãng phí trên những người khách này, trong khi tôi có thể xoay ngay sang mục tiêu bên cạnh.
Trời, tay ăn mày này có đầu óc quá đi, phân tích như thể giám đốc kinh doanh hoặc giám đốc tiếp thị vậy.
- Ông nói tiếp đi! – Tôi hào hứng.
- Có người bảo ăn mày có số may hay xui, tôi không nghĩ thế. Lấy ví dụ cho anh nhé, nếu có một thanh niên đẹp trai và một phụ nữ xinh đẹp đứng trước cửa shop đồ lót mỹ phẩm, thì anh sẽ chọn ai để ăn mày?
Tôi ngẫm nghĩ rồi bảo, tôi không biết.
- Anh nên đi đến xin tiền anh thanh niên kia. Vì đứng bên anh ta là một phụ nữ đẹp, anh ta chẳng lẽ lại không cho ăn mày tiền. Nhưng nếu anh đi xin cô gái đẹp, cô ta sẽ giả vờ là ghê sợ anh rồi lánh xa anh.
Thôi cho anh một ví dụ nữa: Hôm nọ đứng ở cửa siêu thị BigC có một cô gái trẻ tay cầm túi đồ vừa mua từ siêu thị, một đôi nam nữ yêu nhau đang đứng ăn kem, và một anh chàng đóng bộ công chức chỉnh tề, tay xách túi đựng máy tính xách tay. Tôi chỉ nhìn họ ba giây, sẽ không ngần ngừ bước thẳng tới mặt cô gái trẻ xin tiền, cô gái cho tôi hẳn hai đồng xu, nhưng ngạc nhiên hỏi tôi tại sao chỉ xin tiền có mỗi cô ta. Tôi trả lời rằng, cái đôi tình nhân kia đang ăn, họ không tiện rút ví ra cho tiền, anh kia trông có vẻ lắm tiền, trông như sếp nhưng vì thế trên người họ thường không có sẵn tiền lẻ. Còn cô vừa mua sắm ở siêu thị ra, cô tất còn ít tiền thừa, tiền lẻ.
Chí lý, tôi càng nghe tay ăn mày nói càng tỉnh cả người ra.
- Cho nên tôi bảo rồi, tri thức quyết định tất cả!
Tôi nghe sếp tôi nói bao lần câu này, nhưng đây là lần đầu tôi nghe một thằng ăn mày nói câu này.
- Ăn mày cũng phải mang tri thức ra mà ăn mày. Chứ ngày ngày nằm ệch ra ở xó chợ, cầu thang lên đường vượt giao lộ, xin ai cho được tiền? Những người đi qua giao lộ, chạy qua cổng chợ đều vội vàng hoặc cồng kềnh, ai ra đấy mà chơi bao giờ, ra đấy xin chỉ mệt người. Phải trang bị tri thức cho chính mình, học kiến thức mới làm người ta thông minh lên, những người thông minh sẽ không bao giờ ngừng học hỏi kiến thức mới. Thế kỷ 21 rồi, bây giờ người ta cần gì, có phải là cần nhân tài không?
Có lần, có một người cho tôi hẳn 50 nghìn, nhờ tôi đứng dưới cửa sổ gào: “Hồng ơi, anh yêu em”, gào 100 lần. Tôi tính ra gọi một tiếng mất 5 giây, thời gian cũng tương tự như tôi đi ăn mày một lần, nhưng lợi nhuận đạt được chỉ 500 đồng, còn kém đi ăn mày, thế là tôi từ chối.
Ở đây, nói chung một tay ăn mày một tháng có thể đi xin được một nghìn hoặc tám trăm lần. Người nào may mắn thì cùng lắm đi xin được khoảng hai nghìn lần. Dân số ở đây khoảng ba triệu, ăn mày độ chục anh, tức là tôi cứ khoảng mười nghìn người dân mới ăn mày một người. Như thế thu nhập của tôi ổn định, về cơ bản là cho dù kinh tế thế giới đi lên hay đi xuống, tình hình xin tiền của tôi vẫn ổn định, không biến động nhiều.
Trời, tôi phục tay ăn mày này quá!
- Tôi thường nói tôi là một thằng ăn mày vui vẻ. Những thằng ăn mày khác thường vui vì xin được nhiều tiền. Tôi thường bảo chúng nó là, chúng mày nhầm rồi. Vì vui vẻ thì mới xin được nhiều tiền chứ.
Quá chuẩn!
- Ăn mày là nghề nghiệp của tôi, phải hiểu được niềm vui do công việc của mình mang lại. Lúc trời mưa ít người ra phố, những thằng ăn mày khác đều ủ rũ oán trách hoặc ngủ. Đừng nên như thế, hãy tranh thủ mà cảm nhận vẻ đẹp của thành phố. Tối về tôi dắt vợ và con đi chơi ngắm trời đêm, nhà ba người nói cười vui vẻ, có lúc đi đường gặp đồng nghiệp, tôi có khi cũng vứt cho họ một đồng xu, để thấy họ vui vẻ đi, nhìn họ như nhìn thấy chính mình.
- Ối ông cũng có vợ con?
- Vợ tôi ở nhà làm bà nội trợ, con tôi đi học. Tôi vay tiền ngân hàng mua một căn nhà nhỏ ở ngoại thành, trả nợ dần trong mười năm, vẫn còn sáu năm nữa mới trả hết. Tôi phải nỗ lực kiếm tiền, con tôi còn phải học lên đại học, tôi sẽ cho nó học Quản trị kinh doanh, Marketing, để con tôi có thể trở thành một thằng ăn mày xuất sắc hơn bố nó.
Tôi buột miệng:
- Ông ơi, ông có thu nhận tôi làm đệ tử không?


=======================================================

Hà Nội: “chạy” vào công chức không dưới 100 triệu đồng

Tin Đa Chiều - Đăng ngày: 8:46 AM - 08/12/2012 
“Tôi xin mách với các đồng chí lãnh đạo quận, huyện là trưởng phòng nội vụ các quận, huyện đang là đầu mối thu hút việc tiếp nhận hồ sơ và nhận tiền “chạy” của các thí sinh để đỗ công chức và không dưới 100 triệu đồng”.
Ông Trần Trọng Dực, chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội, đã gây sốc cho các đại biểu HĐND TP Hà Nội trong ngày họp cuối cùng (7-12) khi lần đầu tiên công bố “mức giá sàn” để có cơ hội trở thành công chức thủ đô.
Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực: “20-30% cán bộ hưởng lương không đáp ứng được nhiệm vụ” – Ảnh: Xuân Long
“Bây giờ người ta nói dưới 100 triệu đồng không có chuyện đỗ đâu. Còn chạy vào đâu? Đó là chỗ trưởng phòng nội vụ các quận huyện… Nói đến đó là việc rất đau lòng của TP chúng ta, nhưng đây là thực trạng đang tồn tại” – đại biểu Trần Trọng Dực chua chát nói.
Ông cũng cho rằng bên trong và đằng sau việc thi công chức còn nhiều việc phải bàn. “Có trường hợp thí sinh làm bài không sai một dấu chấm, dấu phẩy so với đáp án. Điểm tối đa 100%, không trừ được một phẩy nào, tôi thử hỏi việc thi công chức như vậy thì chất lượng ra làm sao, trách nhiệm trong quản lý thi như thế nào?”.
Là thành viên trong hội đồng thi công chức khối Đảng và đoàn thể Hà Nội, ông Dực kể: “Chúng tôi làm rất nghiêm túc, công phu từ khi ra đề, quản lý đề, phát đề, trông thi và giám sát giáo viên chấm thi nhưng vẫn phát hiện hai giáo viên đánh dấu vào bài của thí sinh để chấm, phải yêu cầu lãnh đạo Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong kiểm điểm trách nhiệm hai người này. Việc như vậy phản ánh một điều, chất lượng thi công chức của chúng ta không ổn tí nào”.
Không giấu “chuyện trong nhà”, ông chia sẻ: “Riêng cơ quan tôi, chúng tôi đánh giá có khoảng 30% cán bộ công chức làm việc tốt, 35% cán bộ công chức làm việc khá và trung bình, còn lại là giao việc không yên tâm… Luôn có từ 20-30% cán bộ công chức của chúng ta đang hưởng lương nhà nước nhưng không đáp ứng được tình hình, nhiệm vụ của Nhà nước giao. Cơ quan, đơn vị nào cũng thấy bức xúc mà không giải quyết được vì động chạm đến lợi ích, quyền lợi. Nếu chúng ta không đánh giá đội ngũ cán bộ để đào tạo, đào tạo lại, sắp xếp cho hợp lý thì xin thưa, biên chế không bao giờ giảm được”.
Trước băn khoăn của đại biểu HĐND, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết thực tế cán bộ và công tác cải cách hành chính của TP có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. “Năm 2013, UBND TP xác định là năm kỷ cương hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm phục vụ nhân dân” – ông Thảo khẳng định.
Ông Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh năm 2013 TP Hà Nội sẽ thực hiện nghiêm việc tiết kiệm và “cắt” những khoản chi không cần thiết. Đó là không mua ôtô con, không xây dựng trụ sở mới, không đi học tập và công tác nước ngoài khi chưa thật sự cần thiết. Ông Thảo cũng cho biết thường trực Thành ủy đã gửi sang thống kê cắt giảm chương trình đi học tập và công tác nước ngoài khi chưa cần thiết của năm 2013. Theo đó, TP sẽ tiết kiệm được tổng kinh phí là 81 tỉ đồng. Toàn bộ phần này chuyển vào chương trình xây dựng nông thôn mới trong năm 2013
Trước khi bế mạc kỳ họp thứ 6, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết tổng biên chế hành chính, sự nghiệp của TP năm 2013 với 10.938 biên chế hành chính, trong đó có 9.293 biên chế công chức; thông qua nghị quyết về chương trình giám sát của HĐND TP năm 2013.


========================================================

3 đầu tàu kinh tế hụt thu trong một kỷ lục 37 năm.

Ngay trong phiên khai mạc HĐND TP HCM, thông tin lần đầu tiên sau 37 năm, chỉ tiêu thu ngân sách TP không đạt giống như một trái bom làm rung động nền kinh tế. Đây quả thực là “Trái bồ hòn” khó nuốt với địa phương chiếm 25% GDP của cả nước. Nếu ví TP HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước thì rõ ràng, với 6 chỉ tiêu không đạt, trong đó, chỉ tiêu thu ngân sách không đạt lần đầu tiên kể từ khi thống nhất đất nước, chiếc đầu tàu này đang trì trệ trầm trọng. Nhìn sang Đà Nẵng, số thu ngân sách chỉ đạt 81% trong bối cảnh KT-XH được Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đánh giá là “đối mặt với những khó khăn chưa từng có”. Thủ đô Hà Nội cũng không phải là ngoại lệ khi thu ngân sách cũng là chỉ tiêu không đạt với tình hình KT-XH, nói như Chủ tịch HĐND TP là “bộc lộ nhiều yếu kém”. Với chỉ số thu của 3 đầu tàu kinh tế, sẽ chẳng quá lời nếu nói rằng đoàn tàu kinh tế đang khủng hoảng kể từ khi đất nước thống nhất, năm 1975. Cái thiếu, có lẽ chỉ là một mức lạm phát phi mã nữa mà thôi.
Câu hỏi vì sao thực ra không khó để trả lời. Riêng tại đầu tàu TP HCM, chỉ tiêu thu tăng 33% trong bối cảnh kinh tế lâm vào tình trạng đình trệ. Và cơ bản nhất có ý nghĩa như “chiếc đinh cuối cùng” đóng lên “cỗ quan tài ngân sách” là con số 17 ngàn DN đã “chết”. Nhưng có lẽ, con số 17 ngàn này chỉ là cái đỉnh của tảng băng. Con số các DN mà các vị ĐB HĐND gọi là “bất tỉnh nhân sự” thì quả thực không thống kê được. Câu chuyện không hấp thụ được vốn chỉ là một vế của vấn đề. Bởi có vốn hay không, và vốn với lãi suất bao nhiêu, DN có thể “tiêu hóa” được hay không mới là vấn đề chính.
Trong ngày “trái bồ hòn ngân sách” được nói tới, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia đưa ra một kiến nghị mang tính giải pháp cho toàn bộ nền kinh tế. Đó là việc cần phải hạ lãi suất cơ bản (LSCB) xuống 8% và khống chế trần lãi suất cho vay không vượt quá 150% LSCB. Đây là một kiến nghị mang ý nghĩa như một “hành động quyết liệt và cụ thể”, chứ không phải chỉ dừng ở những tuyên bố, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, ĐBQH Trần Du Lịch thì tha thiết mong QH giảm thuế thu nhập DN xuống còn 20% để cộng đồng DN không chết ngay trên sân nhà. Còn ĐBQH Trần Hoàng Ngân đã nói tới thực trạng DN Việt Nam đang phải chịu mức lãi suất cao hơn các nước trong khu vực từ 2-3 lần. Hôm qua, mức lãi này được “quy đổi cụ thể”, bằng một tính toán, rằng với giá đồng vốn đắt đỏ như vậy, một mặt hàng “made in Viet Nam” đang cao hơn so với Ấn Độ 2%; Thái Lan 2,51%; Trung Quốc 2,6%; Singapore 2,8%…
Lãi cắt cổ, hàng hóa đắt đỏ, ế ẩm, thuế vừa cao vừa nhiều, DN còn tiền để đóng thuế, các đầu tàu kinh tế đạt chỉ tiêu thu ngân sách mới là chuyện lạ.
Giảm LS để DN có thể có được, và “tiêu hóa” được đồng vốn, giảm thuế, để hiệu quả một đồng vốn vay từ ngân hàng ít nhất cũng lớn hơn đồng thuế, có lẽ bây giờ chính là liều thuốc hồi sinh cho cả cộng đồng DN, nơi 70% DN “bất tỉnh nhân sự” còn lại đang tự ăn thịt mình để cầm hơi. Chỉ có điều, CP có quyết giảm hay không, giảm ngoài thực tế hay giảm trên giấy tờ của các ngân hàng, lại là chuyện của thì tương lai.
Quả bóng đang ở trong chân Chính phủ. Cái còi Chính phủ cũng đang cầm trong tay.
Theo daotuanddk


Người dân Trung Quốc ngơ ngác với “đường lưỡi bò”

Tin Đa Chiều - Đăng ngày: 8:45 AM - 11/12/2012 1 Ý kiến

Ông Carlyle Thayer, một chuyên gia về Biển Đông thuộc trường Đại học New South Wales ở Australia
Trung Quốc vừa tiếp tục khuấy đảo sóng gió ở Biển Đông bằng việc đưa ra một luật mới cho phép cảnh sát được chặn và bắt giữ tàu thuyền “đi lại bất hợp pháp” trong phần lớn vùng lãnh hải ở Biển Đông mà nước này tự nhận là thuộc chủ quyền của mình.
Khi mà cộng đồng thế giới trông chờ Trung Quốc, với tư cách một cường quốc mới nổi và cũng là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, trưởng thành hơn và xứng đáng với vị trí lãnh đạo trên trường quốc tế thì chính sách ngoại giao mập mờ, khó hiểu và thiếu nhất quán của Trung Quốc ở Biển Đông đang gây rối loạn và làm leo thang căng thẳng trên khắp khu vực. Đây là nhận định của tờ South China Morning Post (Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam) – một tờ báo có trụ sở ở Hồng Kông.
Việt Nam và Philippines – hai nước có tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc, đều đã lên tiếng phản đối gay gắt quy định mới mà tỉnh Hải Nam của Trung Quốc vừa đặt ra. Ấn Độ – nước đang cùng khai thác dầu khí ở Biển Đông với Việt Nam, hồi tuần trước, cũng tuyên bố, nước này sẵn sàng triển khai các tàu hải quân ở khu vực để bảo vệ lợi ích. Trong khi đó, Mỹ – cường quốc số một thế giới, công khai yêu cầu Bắc Kinh làm rõ về luật mới nếu có.
“Luật mới thực sự không rõ ràng đối với hầu hết các nước. Cho đến khi chúng tôi chưa thực sự hiểu những quy định đó có ý nghĩa gì thì chúng tôi chưa thể bình luận. Trước hết, chúng tôi cần Trung Quốc làm rõ về luật đó, về phạm vi, về mục đích và tầm bao phủ của luật này”, Đại sứ Mỹ tại thủ đô Bắc Kinh – ông Gary Locke tuần trước đã nói như vậy.
Thực tế về việc một chính phủ địa phương có thể đơn phương làm trầm trọng thêm một trong những vấn đề ngoại giao nhạy cảm nhất đã cho thấy sự rối loạn và đầy nguy cơ tiềm năng trong quá trình lập chính sách của Trung Quốc trong lĩnh vực này, các nhà phân tích nhận định.
“Nó cho thấy chính sách ngoại giao của Trung Quốc thực sự rối loạn khi đề cập đến vấn đề Biển Đông”, một nhà ngoại giao phương Tây cho biết.
Theo một báo cáo của Nhóm Khủng khoảng Quốc tế (ICG) đưa ra hồi năm nay, không ít hơn 11 thực thể chính quyền địa phương – từ cơ quan du lịch đến hải quan, có thể đóng một vai trò trong tranh chấp Biển Đông của Trung Quốc. Theo ICG, tất cả đều có khả năng hành động, gây ra những rắc rối ngoại giao. Đó chính xác là điều đã xảy ra trong trường hợp của tỉnh Hải Nam. Ông Wu Shicun, quan chức cấp cao thuộc văn phòng đối ngoại của tỉnh, cho biết, ông nghĩ các luật mới sau khi được hội đồng địa phương thông qua đã được trình lên Bắc Kinh xem xét.
Tuy nhiên, khi bị truy hỏi dồn dập, ông Wu lại nói, do ông này không phải là một thành viên trong hội đồng địa phương nên ông không chắc là liệu Bắc Kinh trên thực tế đã được trình xem luật trên trước khi nó được đưa vào áp dụng chính thức hay chưa.
Một nhân tố phức tạp trong việc tranh giành đòi chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc là nước này bản thân cũng để yêu sách đường 9 đoạn của họ thực sự mập mờ. Đường 9 đoạn xâm lấn vào một loạt vùng lãnh hải, lãnh thổ của Việt Nam và một số nước khác đã vấp phải sự phản đối không chỉ của các nước liên quan mà của cả rất nhiều học giải trên thế giới
Ông Carlyle Thayer, một chuyên gia về Biển Đông thuộc trường Đại học New South Wales ở Australia, cho biết, trong 26 hội thảo quốc tế mà ông từng tham gia trong 2 năm qua, rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra cho các học giả Trung Quốc về ý nghĩa của đường lưỡi bò nhưng không có câu trả lời rõ ràng nào được đưa ra.
“Không ai ở Trung Quốc có thể nói chính xác đường lưỡi bò có nghĩa gì. Trung Quốc đang tranh giành chủ quyền ở một khu vực mà không ai biết. Bản thân nó đã mập mờ”, ông Thayer cho biết.
Theo lập luận của một số nhà phân tích, sự mập mờ trên tạo cho Bắc Kinh một khoảng trống để nước này có thể thỏa hiệp nếu các cuộc tranh chấp leo thang.
Kiệt Linh – (theo South China Morning Post, vnmedia)

===================================================================

Muốn làm quan thời nay phải học thuộc những câu trả lời này:

Quan chức và các chiêu ‘chạy’ câu hỏi hóc

Published on December 13, 2012.


Khi được chất vấn trong các cuộc họp, một số vị quan chức đã có những câu trả lời rất bài bản, như trong sách vở, nhưng lại thiếu sức thuyết phục.

Lâu nay, trước nhiều vụ tham nhũng, vô trách nhiệm của cơ quan nhà nước hoặc công chức xâm phạm quyền lợi của dân hoặc vi phạm luật pháp, khi được chất vấn trong các cuộc họp, một số vị quan chức đã có những câu trả lời rất bài bản, như trong sách vở, nhưng lại thiếu sức thuyết phục, vì không dám thẳng thắn nhận trách nhiệm, nhất là trách nhiệm cá nhân.
Người hỏi thường đoán trước được câu trả lời, nhưng vì bức xúc trước trách nhiệm của quan chức, cho nên vẫn cứ hỏi cho ra lẽ, nghe trả lời xong thường mỉm cười và lắc đầu. Bài này liệt kê lại những loại trả lời ấy như những “điệp khúc … buồn” mong sớm được chấm dứt.
“Chưa nắm được, chưa được báo cáo“. Đó là câu trả lời khá phổ biến, tuy vụ việc xảy ra ngay trên địa bàn quận, huyện. Như: giao đất, cho thuê đất; cưỡng chế người dân đang có quyền sử dụng đất; lâm tặc phá rừng, vận chuyển gỗ lậu; khai thác khoáng sản trái phép; xây dựng không phép hoặc cất nhà ở vượt nhiều tầng so với giấy phép; người nước ngoài thuê người trong nước thu gom nông, hải sản, khai thác mặt nước,. v.v…
Thực tế là họ không phải không biết, vì vụ việc xảy ra ngay trước mặt họ và mỗi quận, phường, xã, đang có cả một bộ máy đông đúc cán bộ, nhân viên thanh tra, kiểm tra, họ biết cả, nhưng vì những lý do tế nhị hoặc “tay đã nhúng chàm” cho nên họ đành phải thoái thác như vậy.
“Đề nghị cung cấp chi tiết vụ việc” hoặc “cung cấp cho cơ quan chức năng danh tính, thời gian, địa điểm công chức vi phạm hoặc chụp ảnh công chức khi họ đang vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý ngay” …
Đây có thể coi là một sự “đánh đố” với người phát hiện, vì hoặc là khó thực hiện hoặc là có thể thực hiện được nhưng sẽ bị trả thù (đã có phóng viên bị dính tai nạn nghề nghiệp khi muốn có bằng chứng người thật, việc thật).
Câu này thường được dùng để trả lời khi có ý kiến chất vấn về những vụ việc như tệ nạn mãi lộ dọc đường vận chuyển hàng hóa; nhân viên hải quan gây khó dễ cho doanh nghiệp; nhân viên y tế nhận phong bì của người bệnh, v.v…
“Sẽ (hoặc đang) kiểm tra, đôn đốc cấp dưới báo cáo“. Đây là câu trả lời của vị quan chức lãnh đạo ngành trong trường hợp thực sự không nắm được vụ việc, nhưng cũng có khi họ đã biết chắc là có vụ việc ấy xảy ra (nhưng không tiện nói ra) thực chất là để trốn tránh trách nhiệm, không dám nói thẳng nguyên nhân để vụi việc kéo dài, không xử lý dứt điểm được. Ví dụ như những trường hợp tệ nạn xã hội diễn ra liên tiếp năm, này qua năm khác; ở một thành phố, có công viên bị xé nát làm nhà hàng, dịch vụ đã được phát hiện từ nhiều năm, qua nhiều cuộc họp, nhưng vẫn không dẹp được. Thế rồi, năm tháng qua đi, đến cuộc họp sau, tình hình vẫn nguyên như cũ, và nếu hỏi, lại nhận được câu trả lời như thế.

“Khó phát hiện hoặc xử lý, vì thiếu cơ chế hoặc cơ chế chưa đầy đủ”. Đây là câu trả lời để biện hộ cho việc cơ quan chức năng biết rõ sự việc, nhưng có khi làm ngơ hoặc do lợi ích nhóm, đã không báo cáo cấp trên hoặc không xử lý đến nơi đến chốn. Do đó, yêu cầu hoàn chỉnh cơ chế, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật, tuy rõ là việc này chưa thể thực hiện sớm được, vì còn đợi sự nhất trí của các bộ, ngành liên quan. Rồi lại yêu cầu tăng mức xử phạt để “tăng mức răn đe”, song thực tế là với cách xử phạt như hiện nay (ví dụ như phạt người vi phạm giao thông) thì mức phạt càng cao, mức chung chi, “làm luật” cũng càng cao.
“Lực lượng mỏng, phương tiện thiếu” cũng thường được dùng làm câu trả lời cho tình trạng các vị phạm không giảm được bao nhiêu, lại ngày một nhiều. Ví như nạn buôn lậu gia súc, gia cầm đang gia tăng ở một số tỉnh từ biên giới về Hà Nội và đi các địa phương khác; việc thanh tra vệ sinh, an toàn thực phẩm; thanh tra các vụ xây dựng đường sá kém chất lượng, nhanh chóng xuống cấp…
Cơ quan chức năng không chỉ yêu cầu tăng thêm người, mà còn yêu cầu mua sắm thêm cả phương tiện hiện đại khá tốn kém để kiểm tra, phát hiện, đánh giá mức độ nghiêm trọng, song tác dụng thực tế chưa thấy rõ.
“Sẽ kỷ luật nghiêm túc tổ chức, cá nhân vi phạm”, kèm theo là “sẽ xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật … Câu trả lời này đã thể hiện sự nghiêm túc của cơ quan nhà nước trước những sai phạm.
Tuy nhiên, trong thực tế, sự việc lại không được diễn ra nghiêm túc như trả lời, tình trạng “chạy tội”, “chạy án” thường xảy ra, kẻ tham nhũng vẫn nhởn nhơ trước vòng pháp luật. Vẫn còn tình trạng “chỉ tắm từ vai trở xuống”, hoặc nhẹ nhàng đối với doanh nghệp sử dụng đất sai mục đích song lại “kiên quyết” đối với người dân, thậm chí cưỡng chế (như một đại biểu đã nêu lên tại cuộc họp HĐND Tp Hà Nội ngày 7-12-2012).
Lại có những trường hợp thực hiện “rất đúng quy trình, thủ tục” như trong việc điều động cán bộ, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, song thực tế lại có nhiều sai sót, người xấu vẫn có thể leo cao.
“Chúng tôi xin lỗi, xin nhận trách nhiệm”. Đây là câu trả lời thể hiện sự nghiêm túc của cơ quan nhà nước trước đồng bào, cử tri cả nước, rất đáng hoan nghênh, về những sai sót, khuyết điểm của cơ quan và công chức liên quan.
Tuy nhiên, tiếp theo lời xin lỗi, nhận trách nhiệm rất chung chung như vậy, nhân dân mong có sự sửa chữa cụ thể, từ việc kịp thời sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cho đến việc tinh gọn bộ máy, chỉnh đốn đội ngũ, nhất là thanh lọc những cá nhân công chức thoái hóa, biến chất, tham nhũng đang làm hoen ố bộ mặt của một Nhà nước pháp quyền “của dân, do dân và vì dân”. Trách nhiệm của người đứng đầu cần được làm rõ.
Nếu những biện pháp xử lý kẻ tham nhũng không được thực hiện triệt để, thì các câu xin lỗi và nhận trách nhiệm cũng chỉ là hình thức, cho qua chuyện.
“Cần cả hệ thống chính trị vào cuộc”. Đây là câu trả lời thường được sử dụng trong nhiều trường hợp. Câu trả lời này không sai, nếu xét về lý luận vì việc nào cũng cần động viên hệ thống chính trị vào cuộc, song lại dễ dung túng, bao che trách nhiệm cụ thể, trực tiếp của cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ, vì hệ thống chính trị chỉ có chức năng giáo dục, thuyết phục, không có chức năng thi hành pháp luật như cơ quan nhà nước.
Hệ thống chính trị vào cuộc trước hết là trong các hoạt động giám sát, phản biện xã hội nhằm hoàn thiện thể chế, chính sach, để quyền và lợi ích chính đáng của người dân được tôn trọng, để những vụ vi phạm pháp luật, tham nhũng được xử lý nghiêm túc. Còn việc phát hiện và xử lý các vụ việc tham nhũng là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, không thể lẫn lộn.
Trên đây, chỉ xin nêu một số loại câu trả lời thường gặp; trong thực tế, còn phong phú hơn nhiều. Điều xin được nhấn mạnh là cần nêu rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng, nhất là trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, không nên tiếp tục các kiểu trả lời như là những “điệp khúc … buồn” như lâu nay.
Đây là trách nhiệm của cơ quan nhà nước trước dân, trách nhiệm của những công chức do dân đóng thuế nuôi họ, họ phái hoàn thành những nhiệm vụ được giao, không thể thoái thác, càng không thể bao che, dung túng và tiếp tay cho những hành vi tham nhũng, vô trách nhiệm xâm hại lợi ích chính đáng của dân hoặc làm nghèo đất nước.
Rất hoan nghênh là gần đây, đã thấy rõ một số ý kiến rất thẳng thắn như thế. Trước nạn cướp giật ở Thành phố Đà Nẵng, tại cuộc họp Hội đồng nhân dân Tp Đà Nẵng ngày 15-12-2012, Bí thư Thàng ủy Nguyễn Bá Thanh đã phát biểu “Vấn đề là phải có người chịu trách nhiệm cá nhân, chứ không thể cuối cùng rồi hòa cả làng. Ở các nước, nếu xảy ra cướp giật nhiều như thế thì tư lệnh cảnh sát phải từ chức. Không từ chức không xong với các nghị sĩ đâu. Không có chuyện đá lung tung, cứ từ họ Nguyễn, họ Lê chuyển sang họ … Đỗ hết” (theoZing.VN/Infonet.vn, ngày 6-12-2012) – theo dân địa phương: Ông Thanh dùng chữ “họ Đỗ” mà người Quảng phát âm thành “đổ” để chỉ sự đổ lỗi trách nhiệm quanh co, lung tung.
Theo Tuanvietnam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét