Chậm lại một chút để cảm nhận Hà Nội “đẹp”.
Đã là người Hà Nội, không ai không nhớ câu hát “Nơi tôi sinh…Hà Nội. Ngày tôi sinh…một ngày bồng cháy” trong bài hát “Hà Nội và tôi” của nhạc sĩ Lê Vinh. Câu hát đó như muốn bày tỏ hết cảm xúc dạt dào, tình yêu tha thiết cho mảnh đất Hà thành yêu dấu.
Hà Nội đẹp lắm! Đẹp trên từng hàng cây, con phố, đẹp qua mỗi mái nhà đơn sơ và đẹp trong chính mỗi con người Thủ đô. Nhỏ lại đi những tiếng còi xe ồn ào, dừng lại nhé hỡi những khói bụi, cho tôi một chút không gian chỉ có gió, có mây, có tiếng xào xạc lá rơi, tiếng bước chân loẹt quẹt trên con đường vắng…để được cảm nhận “vẻ đẹp tâm hồn” của Hà Nội, rất cổ kính mà thật nên thơ.
Bởi thế, Hà Nội luôn là nguồn cảm hứng vô tận trong những tác phẩm nghệ thuật. Đã có biết bao bài hát ca ngợi Hà Nội, bao nhiêu ý thơ tôn vinh mảnh đất anh hùng này. Và ta còn bắt gặp một Hà Nội thật lạ mà cũng thật gần gũi trong những bức tranh được vẽ bằng cả tấm lòng và tâm huyết của người nghệ sĩ. Hãy một lần ngắm nhìn Hà Nội thân yêu qua những bức tranh “lạ” ấy nhé.
Với hàng cây rợp bóng, với ngôi nhà ngói đơn sơ, với tà áo dài thướt tha bay trong gió, phố cổ Hà Nội hiện lên với vẻ đẹp yên bình và ấm áp vô cùng. Những ai đi xa ngắm nhìn bức tranh này, lòng chắc hẳn không khỏi nao nao nhớ quên nhà.
Vội vàng rảo bước tìm nơi trú mà nhiều khi ta “quên” mất vẻ đẹp của Hà Nội trong mưa. Phố xá bỗng nhiên vắng tanh chẳng còn bụi xe khói thuốc, Hà Nội ở đó với tiếng mưa rơi lộp độp trên mái nhà, tí tách trên những con đường. (Tranh của họa sĩ Nguyễn Hữu Thuận).
Tạm biệt cái náo nhiệt của thành phố để thà hồn mình về với làng quê. Bức tranh là những cô thôn nữ đang miệt mài chăm bón vườn rau ven đường Hà Tây cũ. Bức tranh là sự kết hợp hài hòa của sắc xanh, xanh trời dịu dàng, xanh cây đầm tắm, xanh mặt hồ, xanh áo, xanh cỏ. Tất cả đã tạo nên một ảnh sắc thật thanh bình. (Tranh của họa sĩ Nguyễn Hữu Thuận).
Đâu phải cứ nguy nga tráng lệ mới được “lên tranh”, cái thô tháp, sần sùi của một căn nhà cổ cũ kĩ đã mang đến cho bức tranh cái hồn hoài niệm mạnh mẽ. Chiếc xe đạp ở đó, bình yên, lặng lẽ, không phải ganh đua, hối thúc với đời. Bức tranh vẽ lại cảnh sắc tại làng Ninh Hiệp, thuộc Hà Nội. (Tranh của họa sĩ Nguyễn Hữu Thuận).
Tranh là nghệ thuật, đã là nghệ thuật thì không thể bỏ sót từng chi tiết của cuộc sống, cho dù nó thật đơn giản và bình dị. Bức tranh là hình ảnh cô thôn nữ rảo bước trên con đường làng yên ắng trong buổi trưa nắng dịu nhẹ tại Ninh Hiệp. Nó gợi lại vẻ đẹp tâm hồn người con gái Việt - tần tảo, chịu thương chịu khó. (Tranh của họa sĩ Nguyễn Hữu Thuận).
Hoa ở Hà Nội rất nhiều, và rất đẹp. Nhưng có mấy ai chịu đi xa hơn 20km đến với làng Mê Linh để được thấy nơi ươm trồng hoa đẹp đến thế này. Sẽ thật là đáng tiếc nếu không được một lần ngắm nhìn vườn qua rực rỡ nơi đây trong buổi sớm mai. Cám ơn tranh đã cho ta những đóa hoa đẹp nhất. (Tranh của họa sĩ Nguyễn Hữu Thuận).
Đâu đó trong chốn đô thành vẫn còn những nơi thật yên tĩnh và thanh tao – Đền Ngọc Sơn. Những nét vẽ mộc mạc, giản dị mà toát lên nét cổ kính, chân thật của Hà thành. (Tranh của họa sĩ Phạm Trọng Lễ).
Bức tranh này là lưu giữ lại một không gian bình yên giữa lòng Hà Nội. Sen nở rộ giữa hồ Gươm tô cho cảnh sắc màu hồng quyến rũ, góp cái xanh trong cùng với những hàng cây ùm tùm, rực sắc hai bên bờ. Trên cây cầu Thê Húc bắc qua hồ tới đền Ngọc Sơn, là hình ảnh người thiếu nữ Hà Nội dịu dàng, đằm thắm trong tấm áo dài của quê hương. (Tranh của họa sĩ Lâm Tuấn Anh).
Việt Báo (Theo MTO)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét