Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

Kinh tế Việt Nam đi về đâu ?

Kinh tế Việt Nam đi về đâu ?

Nhìn sao cũng đúng
Nhiều người ắt hẳn rất ngạc nhiên khi thấy các chuyên gia kinh tế của các tổ chức kinh tế, tài chính thế giới, kể cả các ngân hàng khi phân tích tình hình kinh tế Việt Nam đều tỏ ra lạc quan theo kiểu mọi chuyện đang tiến triển tốt đẹp, không có gì phải lo lắng. Ngạc nhiên là bởi cùng lúc đó phản ánh từ giới kinh doanh trong nước là một bức tranh u ám, một tình hình bi đát của hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ doanh nghiệp lớn cho đến doanh nghiệp gia đình.
Thật ra hai nhận định này không mâu thuẫn nhau là mấy, cái khác biệt là góc nhìn, là cách lượng giá các con số và các xu hướng.
Ví dụ lạm phát, từ chỗ lên đến 18,6% năm 2011, năm nay lạm phát đã được kéo về dưới một con số (dự báo cả năm chừng 9,2%), ắt hẳn các chuyên gia kinh tế sẽ đánh giá đây là một thành tựu đáng kể. Và những biện pháp được áp dụng để kiềm chế lạm phát sẽ được coi là đúng đắn như nâng lãi suất lên cao, thắt chặt tín dụng. Cũng những cụm từ đó nhưng nhìn từ góc độ doanh nghiệp lại là những hòn đá tảng, đè nặng lên vai họ: lãi suất cao, tức chi phí tài chính cao làm họ kiệt quệ, thắt chặt tín dụng đồng nghĩa ít có cơ hội cho họ vay vốn làm ăn dễ dàng như những năm trước.
Ở đây, phải thừa nhận công luận đôi lúc đảo chiều một cách thiếu nhất quán. Những năm trước, khi tốc độ tăng trưởng tín dụng quá cao, có năm như năm 2007 tăng đến 51%, kéo theo lạm phát phi mã, dư luận ai nấy đều đòi hỏi phải siết lại việc cho vay dễ dãi của hệ thống ngân hàng. Nay tăng trưởng tín dụng thấp, chính là hệ quả của việc các ngân hàng thận trọng trở lại, từng bước giải quyết nợ xấu, các doanh nghiệp từng bước giải quyết việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá đáng, lại bị mọi người chỉ trích như một chỉ tiêu không đạt yêu cầu. Có lẽ việc công luận đảo chiều trong trường hợp này là do mức thay đổi quá lớn, tín dụng tính cho đến cuối tháng 11 chỉ tăng 4,15%.
Hay chuyện tính toán cán cân thương mại, lần đầu tiên trong nhiều năm Việt Nam xuất siêu thay vì nhập siêu (mới năm ngoái đây thôi, Việt Nam nhập siêu đến gần 10 tỷ đô-la), không thể không xem đây là một thành tích đáng kể. Báo cáo của các tổ chức tài chính nước ngoài đều tô đậm yếu tố này bởi nó góp phần quyết định trong việc ổn định tỷ giá. Nhưng đó là góc nhìn vĩ mô; nhìn từ doanh nghiệp thì thấy tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu là do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước hầu như không tăng xuất khẩu. Còn nhập khẩu không tăng mạnh như mọi năm đồng nghĩa doanh nghiệp bế tắc, không thể nhập nguyên vật liệu về để sản xuất hoặc không bán được hàng nên không dám nhập hàng nhiều như các năm trước.
Một yếu tố khác cũng nhận được sự đánh giá khác nhau giữa hai góc nhìn vĩ mô và vi mô là chuyện nợ xấu. Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thì lạc quan tin rằng Việt Nam sẽ xử lý được vấn đề nợ xấu. Đó là bởi tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam, dù còn bất nhất nhưng cứ lấy theo tỷ lệ cao nhất là 10% trên tổng dư nợ tín dụng mà có lần Thống đốc Ngân hàng Nhà nước buột miệng công bố trên diễn đàn Quốc hội thì vẫn còn rất thấp so với tỷ lệ này ở các nước lúc xảy ra khủng hoảng nợ xấu. Theo một nghiên cứu của McKinsey, sau cơn khủng hoảng tài chính năm 1997, nợ xấu của các nước châu Á tăng vọt, lên khoảng 30% GDP, ví dụ nợ xấu tính đến cuối năm 2001 của Trung Quốc là 44-55% GDP, của Malaysia là 36-48% GDP hay của Thái Lan là 36-41% GDP. So sánh như thế thì nợ xấu Việt Nam dù có lên đến 15% GDP vẫn có thể giải quyết được.
Thế nhưng nhận định này không tính đến hai chuyện. Thứ nhất, ngay sau khủng hoảng tài chính 1997, các nước nhảy vào quyết liệt giải quyết nợ xấu còn ở Việt Nam, bàn thì nhiều, phát biểu thì hăng say trong khi bắt tay vào giải quyết nợ xấu, cho đến giờ đề án tổ chức công ty mua bán nợ xấu vẫn chưa có! Thứ hai, vì chưa có hướng giải quyết triệt để, nợ xấu làm giới ngân hàng không muốn cho vay ra nữa, tiền chỉ đổ vào trái phiếu chính phủ và có lẽ sắp tới là trái phiếu chính quyền địa phương.
Như thế nhìn từ góc độ vĩ mô, tình hình kinh tế Việt Nam, theo các tổ chức tài chính quốc tế, dường như đang đi vào thế dần ổn định, thời điểm khó khăn nhất đã qua và các nguy cơ nổ ra khủng hoảng cán cân thanh toán hay khủng hoảng tài chính đã được giải quyết.
Tuy thế, nhìn từ góc độ doanh nghiệp các rủi ro khác vẫn có khả năng xảy ra. Đó là sự vỡ nợ dây chuyền từ doanh nghiệp này lây lan sang doanh nghiệp khác rồi từ doanh nghiệp đến ngân hàng hay từ doanh nghiệp đến người lao động. Ví dụ người ta chỉ chú ý đến hai bên trong tranh chấp bảo lãnh phát hành trái phiếu giữa Công ty Tài chính Cổ phần Vinaconex - Viettel và ngân hàng SeABank mà quên đi nhân vật chính, Công ty Vina Megastar, nơi phát hành trái phiếu và nay không trả được nợ. Dự báo sẽ còn nhiều vụ như thế, nhất là các khoản nợ có liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước.Đây là cái giá phải trả trong quá trình trở lại những giá trị kinh doanh căn bản chứ không chạy theo các loại bong bóng tài sản như trước. Tái cơ cấu một doanh nghiệp là đã tốn kém, huống gì phải tái cơ cấu cả nền kinh tế. Điều đáng băn khoăn là chi phí của quá trình này, nhất là khi liên quan đến khối doanh nghiệp nhà nước hay hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần, lại đang được chia đều ra cho người dân ai cũng phải gánh. Dọn dẹp hậu quả của lòng tham thì lẽ ra thủ phạm chạy theo lòng tham phải gánh chịu trước tiên chứ không phải là người dân bình thường.

By N.V.P


Nắm xôi và đàn gà công nghiệp !!!

Đào Tuấn

bom
Đang có một tầm nhìn không vượt quá nắm xôi trước mũi. Trong khi “bán rẻ” chưa bao giờ là một giá trị của tầm nhìn
Câu chót của bài ca dao “Thằng Bờm có cái quạt mo”, được nhiều nhà…văn hóa ra sức biện giải. Rằng việc đổi “cái quạt mo” lấy “nắm xôi”, sau khi từ chối hàng loạt những “3 bò 4 trâu”, những “ao sâu cá mè” là thể hiện tính thuần lương của…người Việt. Là sự trao đổi sòng phẳng, công bằng giữa hai vật ngang giá trị.

Nhưng với dân gian, thằng Bờm vẫn chỉ là thằng Bờm, nói kiểu đương đại là một thứ “gà công nghiệp” với hành động và suy nghĩ, dù biện giải cách gì cũng không vượt quá câu chuyện miếng ăn. Và một tầm nhìn không xa hơn nắm xôi trước mũi.
Có người vừa lại nhắc đến câu chuyện nắm xôi và thằng Bờm khi nhắc đến nền kinh tế Việt Nam và các Doanh nghiệp Việt.

Tại một hội thảo lớn về xác định lợi thế DN, trước mặt Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam công khai xác nhận một nền Kinh tế, có khởi điểm từ năm 54 của thế kỷ trước, và sau 2 thập kỷ đổi mới, sau 7 năm hội nhập, vẫn chỉ là một “Nền kinh tế gia công”. Nơi các doanh nghiệp được “nuôi như gà công nghiệp”, “chỉ lớn lên chứ không tăng giá trị và đẳng cấp”.

Vậy đâu là những biểu hiện của “Nền kinh tế gia công”? Chỉ số năng lực cạnh tranh tụt 16 bậc sau 2 năm? Phát triển theo chiều rộng mà không chú trọng đến chiều sâu, như Chủ tịch VCCI nhận xét. Nền công nghiệp không xuất hiện trên “bản đồ đẳng cấp” với sự “gia công thùng tôn, chế tạo ốc vít”. Và toàn bộ giá trị nền kinh tế dựa trên việc “bán rẻ” từ tài nguyên thô cho đến sức lao động giá rẻ.
Dựa vào FDI để hội nhập nhưng lại chẳng hội nhập được gì. Bản thân vài chục tỷ USD thu hút đầu tư, cứ cho đó là chiến công của điều hành, thì đẻ liền ngay sau, nói như ông Trần Đình Thiên, là “một sự lãng phí lớn” khi nguồn lực đó hầu như không có tác dụng nâng lên đẳng cấp của một nền kinh tế.
Đi sau nhưng chưa bao giờ tránh được cái hố của người đi trước mà điển hình chính là sự thất bại của những “Vina” khi sao chép vụng về “mô hình Chaebol” đã có tiền lệ thất bại của Hàn Quốc. Hay một nền kinh tế thị trường nhưng đó là một thị trường có “đặc thù”.
Trên VietNamNet TS Vũ Quang Việt, thậm chí còn nói đến thứ mà ai cũng có thể nhìn thấy: “Hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài và tổ chức nhằm phục vụ nhu cầu của nước ngoài”. “Không những phải nhập khẩu nguyên vật liệu mà còn có thể lại phải mượn tiền để xây dựng nhà máy, bằng cách bán khoáng sản và vay mượn để có ngoại tệ”.
Và hậu quả nhãn tiền là việc trở thành một thứ bãi rác công nghiệp, khi phải bỏ ngoại tệ để nhập về ngập tràn công nghệ lạc hậu, hủy hoại môi trường đáng ra đã phải ném vào bãi rác.

Tất cả những phân tích đó đều đúng, và đúng nhất là tầm nhìn không vượt quá nắm xôi trước mắt.

Trên Thời báo kinh tế Việt Nam sáng qua, TS Vũ Thành Tự Anh đưa ra con số 104 tỷ USD giá trị xuất khẩu trong 11 tháng của năm 2012, “Đây là con số đáng ca ngợi nhất là trong bối cảnh như hiện nay”- TS Anh nói. Tuy nhiên, nhìn vào đằng sau con số xuất khẩu, thì thứ mà nền Kinh tế xuất chủ yếu là hàng gia công, nguyên liệu, tài nguyên thiên nhiên, trong khi “Hàm lượng giá trị gia tăng đóng góp cho xuất khẩu lại đang giảm đi”.

Bán rẻ chưa bao giờ là một giá trị của tầm nhìn.
Có một câu hỏi đặt ra: Những doanh nghiệp con gà công nghiệp đã làm nên nền kinh tế gia công hay ngược lại, chính nền kinh tế nắm xôi đó đang tạo ra những con gà công nghiệp? Rất khó để trả lời câu hỏi.
Y hệt câu chuyện thằng Bờm sinh ra nắm xôi hay ngược lại.
Thống kê :
Dư nợ của hệ thống ngân hàng 2,9 triệu tỷ ( số liệu công bố của ngân hàng), tài sản thế chấp vay bằng bất động sản 66%, tương đương 1,9 triệu tỷ ( số liệu của Bình ruồi), nợ xấu BĐS chiếm ít nhất 60% dư nợ BĐS, vào khoảng 1,14 triệu tỷ (57 tỷ đô). 
Doanh nghiệp nhà nước nợ 1,29 triệu tỷ, nợ xấu chiếm ít nhất 60% dư nợ, vào khoảng 770 triệu tỷ (39 tỷ đô).Doanh nghiệp nhà nước nợ nước ngoài 120 tỷ đô, VN nợ nước ngoài 210 tỷ đô. 200 nghìn doanh nghiệp chết, 200 nghìn chết lâm sàng, còn 200 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. 
Doanh nghiệp phá sản sẽ tăng theo thời gian, thuế thu từ đây để trả lương cho hệ thông sẽ thu hẹp.
Thâm thủng ngân sách 155 nghìn tỷ. 
Tính đến tháng 11/2012 tổng thu thuế trên cả nước là 120 nghìn tỷ nguồn chính để trả lương, nếu cả nước có 8 triệu lao động lương 5 triệu/ tháng, một tháng trả lương hết 40 nghìn tỷ, cả năm hết 480 nghìn tỷ, năm 2013 lấy tiền đâu để trả lương. 
Vay nước ngoài chẳng ai tin để cho vay, lòng tin nhân dân đổ vỡ, không ai dại mang tiền đầu tư vào lúc này. 
Tất cả tiền 66% đã chôn chặt vào nghĩa địa BĐS, tiền tham nhũng đã được chuyển ra nước ngoài, các doanh nghiệp lớn đã có hiện tượng thu hồi vốn tháo chạy ( doanh nghiệp Đăng Thành Tâm, doanh nghiệp vinacapital). 
Quốc hội đang họp, Bình Ruồi đề nghị cấm đô la hóa, cấm dân tàng trữ đô la, sẽ chặn đứng nguồn kiều hối. 
Năm 2013 nhà nước hết tiền, ngân hàng hết tiền, doanh nhiệp hết tiền, tất cả xuống hố cả nút. 
Bây giờ chỉ còn cách in thêm tiền, nhưng in bao nhiêu lạm phát bấy nhiêu hay là cầm cố lãnh thổ, cùng lắm bỏ chạy ra nước ngoài


Bình luận của 1 copy recipients :
Triết lý tầm nhìn này hay đáo để. Nhưng nếu nhìn ra thế giới  nửa thế kỷ qua, thì thấy rằng, các nước phát triển đi trước thường tranh thủ cơ hội đến các nước chậm tiến để thuê nhân công rẻ, mua nguyên liệu thô, thải rác để thu lợi là chuyện tất yếu và thường tình. Các nước nghèo vớ được những cơ hội đó cũng coi  là vận may. Nhật Bản,  Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia, Thái Lan... đều trải nghiệm một vài chục năm cảnh ngộ này.
Nhưng họ vượt qua và phát triển lên, nhanh chậm có khác nhau, có lẽ là do cái tâm của các tổng thống hoặc hoàng đế , cùng với chí khí vươn lên của dân tộc họ. Đây lại là một triết lý khác, cũng vô cùng phức tạp.
Ở ta, nhiều người có tầm nhìn  đáo để. Nhưng để chuyển tài nguyên, của cải, tiền bạc của dân thành của riêng cho nhiều đời sau, thì sao gọi là tầm nhìn gần được.
Và cái luật nhân quả sẽ hành đạo . Có điều, mọi người sẽ bị vạ lây thế nào thôi.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét