Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

Kể về ngày sinh nhật của mình.


Kể về ngày sinh nhật của mình.

Tôi sinh vào ngày 2-10-1941 tại Hà Nội, thì đó chính là ngày sinh nhật của tôi.
Nhưng theo giấy tờ sổ sách được chính quyền công nhận và quản lý thì ngày sinh của tôi lại là 26-12-1942.
Câu chuyện là thế này : 
Hồi Kháng chiến gia đình tôi sống ở Việt Bắc, ở Huyện Chiêm Hóa, Tỉnh Tuyên Quang. Chỉ cần nhắc đến tên thôi là tôi đã thấy rạo rực trong long. Bởi vì nơi đây rất đẹp và có quá nhiều kỷ niệm với tôi. Nơi đó có rừng già rậm rạp, có con suối to nước trong vắt, có nhiều ruộng bậc thang, nhà sàn của đồng bào người Thổ còn nhà của cơ quan thì nằm trên đồi, nhà tranh nứa một tầng nhưng rộng rãi, mát mẻ và rất đẹp. Ba tôi đã đi khắp nơi để tiêu diệt bệnh sốt rét trên toàn miền Bắc, ông nói : “ không thấy nơi nào đẹp bằng Chiêm Hóa “.
Hồi đó là giữa năm 1953 và hôm đó Ba tôi vắng nhà, ông đang đi họp tại Tuyên Quang thì có khách đến nhà mang theo thư của Ba tôi gửi cho mẹ tôi. Thư nói người đem thư sẽ đưa tôi đến chỗ Ba để Ba gửi con sang Trung Quốc học cùng với anh Nhật Minh ( Anh Minh sang TQ từ năm 1952). Mẹ tôi nhanh chóng chuẩn bị và sau bữa cơm cùng khách, ông ta đèo tôi đi luôn. Đi mãi và phải nghỉ lại rất nhiều lần mới đến nơi Ba tôi đang ở. Đó là một khu rừng nhưng khác hẳn Chiêm Hóa. Rừng cây rất to, bóng mát phủ kín mà phía dưới thì quang đãng, rộng rãi và sạch sẽ như có ai quét dọn hàng ngày. Đi mãi mới gặp một vọng gác và chung quanh là những căn nhà. Tôi được dắt đến một căn nhà mà Ba tôi đã đứng đợi tôi ở cửa. Tôi rất vui, chỉ muốn chạy chơi lung tung quanh nhà, nhưng Ba tôi cứ bắt tôi phải nằm nghỉ, rồi dắt tôi đi ăn cơm với ông ở nhà ăn. Rồi ông bảo phải làm giấy tờ cho tôi. Ông hỏi con có biết ngày sinh của con không. Tất nhiên là tôi không biết. Bây giờ nghĩ lại thấy mình sao ngu thế. Các cháu tôi bây giờ từ đứa 7 tuổi đến 12 tuổi chúng thuộc lầu ngày sinh nhật của mình, thậm chí là của cả nhà. Thế rôi ông ngồi suy nghĩ và tự viết lấy tất cả. Có lẽ với ông cũng khó vì ông đi Nhật khi chúng tôi còn bé tý, 8 năm trời sống xa vợ con và gia đình chúng tôi mới được đoàn tụ có 2 năm thôi.  Tôi chưa bao giờ được đọc tờ giấy mà Ba viết ra hôm đó, nhưng tôi biết chắc Ba đã ghi ngày sinh của tôi là 26-12-1942, vì từ ngày đó mọi giấy tờ của tôi đều được ghi như thế.
Ba dẫn tôi đến gặp cô Phương Hoa để gửi tôi cho cô ấy. Hai người nói chuyện với nhau khá lâu rôi Ba dẫn tôi về còn cô Phương Hoa thì hẹn mai sẽ có người đến đón tôi. Tôi được đưa đến nơi tập trung của đoàn con em cán bộ thuộc Bộ Giáo dục.
Có lẽ so với các đoàn khác cuộc hành trình của đoàn chúng tôi sang TQ là ngắn nhất, dễ dàng và thuận tiện nhất. Mặc dù cúng tôi cũng hoàn toàn đi bộ. Tôi bé và yếu nhất đoàn nên không phải mang lấy ba lô. Tôi chỉ ôm một chiếc chiếu và gói xôi. Cứ cố chạy nhanh lên trước, giải chiếu ra tranh thủ ngủ một tý. Cứ thế, ngày nghỉ, đêm đi mà đến nơi lúc nào không biết. Mái đến khi leo lên ô tô tải ở Mục Nam Quan tôi mới biết là đã sang đến TQ rồi. vội vàng đặt gói xôi còn để dành chưa dám ăn lên bệ tường trước khi xe chuyển bánh. Chúng tôi tiếp tục đi tầu hỏa rồi leo lên Núi Lư Sơn bằng Ô tô và có mặt ở trường đúng vào ngày 25-8-1953. Ngày đó đã thành ngày Hội Trường của chúng ta và chúng tôi vinh dự là những người có mặt đầu tiên ở trường. Chỉ tiếc rằng vì sức khỏe yếu, không chịu được cái rét của Lư Sơn sau đó tôi lại là người đầu tiên phải rời Lư Sơn để về Quế Lâm.
Tôi nhớ là trường chúng mình không có tập quán tổ chức ngày Sinh nhật. Sau này về gia đình cũng vậy, cho nên dù vẫn nhớ ngày Sinh nhật mà không tổ chức gì vào ngày đó.  Tuy nhiên trong cả cuộc đời của mình, có một ngày sinh nhật mà tôi không bao giờ quên.
Đó là ngày sinh nhật lần thứ 17, ngày 26-12-1959. Đó là ngày tôi được cùng 4 bạn học sinh tiêu biểu của Trường Trưng Vương lên thăm Bác Hồ. Đó là vào một buổi tối chủ nhật. Chúng tôi vào Chủ tịch phủ qua cổng đỏ. Đến nhà Bác, một căn nhà nhỏ một tầng ở sân sau chứ không phải nhà sàn như bây giờ. Chúng tôi chạy ùa vào nhà ôm Bác, rồi Bác cháu nói chuyện với nhau vui vẻ. Hôm đó trời rất lạnh, Bác đố chúng tôi :” Chỉ có một viên gạch, làm sao ấm được cả mùa đông”. Chúng tôi đều trả lời theo cách thông thường mà ai cũng biết “ Đem nung lên, bọc giấy báo rồi ôm mà ngủ”. Bác bảo chưa đúng. Rồi chuyện này chuyển sang chuyện nọ, đến giờ tôi vẫn không biết đáp án đúng của Bác là gì. Bác hỏi chuyện học hành, bình thường thì đứa nào cũng “ Khiêm tốn lắm” mà hôm đó không biết tại sao mà đứa nào cũng muốn khoe với Bác thật nhiều, kể hết mọi thành tích cho Bác nghe. Bác vui lắm và Bác khen làm chúng tôi sướng quá. Sau đó Bác cho ăn cơm với Bác. Mâm cơm giản dị bình thường chứ không phải mâm cỗ hay tiệc. Chõ Bác ngồi thì có thêm một bát xúp. Bữa ăn thật ấm cúng tự nhiên như trong gia đình. Tôi biết là hàng tuần Bác đều có con cháu trong cả nước đến với Bác như chúng tôi hôm nay, như những người con sau một tuần bận rộn làm việc đến ngày nghỉ về nhà thăm cha mình. Bác vui thì Bác sẽ khỏe và sống lâu, nghĩ vậy tôi mừng lắm. Ăn cơm xong Bác cho chúng tôi cùng xem phim với Bác. Phòng chiếu phim ở trên nhà chính. Khi chúng tôi đến thì mọi người đã đến đủ, tất cả chỉ khoảng 20 người. Chúng tôi ngồi hàng ngang, Bác ngồi giữa và rất may mắn là tôi ngồi ngay cạnh Bác. Tôi cứ ôm chặt lấy cánh tay Bác. Hai lần Bác hút thuốc, tôi quẹt diêm cho Bác và cất que diêm đem về làm kỷ niệm. Thấy Bác xem chăm chú tôi không dám nói chuyện làm phiền Bác, nhưng đầu óc cứ nghĩ lung tung rồi ngắm nhìn Bác, tôi chẳng chú ý gì đến phim cho nên bây giờ cũng không nhớ hôm đó chiếu phim gì. Tôi muốn nói với Bác, hôm nay là ngày sinh nhật cháu, nhưng không dám, rồi không hiểu sao tôi nói chệch đi :” Bác ơi, hôm nay là ngày Sinh nhật Bác Mao, Bác có gửi điện chúc mừng không ạ. “ Bác trả lời :” Có, Bác gửi điện chúc mừng rồi”. Ngày sinh nhật Bác Mao thì chúng mình ai cũng biết vì trường mình là của Bác Hồ, Bác Mao mà. Hết  phim chúng tôi phải chia tay Bác để ra về. tôi ôm Bác thật chặt để khắc sâu một kỷ niệm sẽ không bao giờ quên.
Ngày 30-4-1975 là ngày giả phóng miền nam, không lâu sau đó thì 2 anh em tôi về Huế và về nhà. Căn nhà 12 Phát Lát là căn nhà của ông bà nội chúng tôi mà theo truyền thống của người Huế là nơi sống của cả đại gia đình. Trừ con gái đi lấy chồng còn tất cả con trai và con cái, cháu chắt của họ đều ở đây. Sau 25 năm mới quay trở lại mà căn nhà hầu như không có gì thay đổi.
 Ông Bà Nội của chúng tôi thì đã mất. Trên gác nơi ông Bà ở trước đây nay là bàn thờ của cả gia tộc. Dưới nhà là gia đình Bác cả, gia đình chú ở giẫy nhà ngang. Căn phòng của 4 mẹ con tôi ở bên trái sát với bờ tường của chợ An Cựu nay gia đình của anh trưởng con bác cả ở. Căn phòng vẫn như xưa không thay đổi khiến tôi nhớ lại biết bao kỷ niệm cũ. Bác tôi nói :” Khi các con đi không đem theo gì, đồ đạc để lại nhiều lắm, nhất là quần áo vì khi đó Me các con đang chuẩn bị đưa các con sang Nhật với Ba các con, nào ngờ đùng một cái trốn ra chiến khu. Đồ đạc thì mấy lần chạy loạn mất hết. Bác chỉ giữ lại được một chiếc hộp cất giấy tờ Me con gửi Bác.”  Chiếc hộp đó vô cùng quý giá vì có nhiều thư từ và ảnh của Ba gửi cho Me trong suốt thời gian Ba ở Nhật và cũng chính trong chiếc hộp này, chúng tôi đã tìm thấy giấy Khai sinh gốc của cả 3 anh em. Thế là tôi biết được ngày khai sinh chính thức của tôi là  2-10-1941.
Tôi không định làm lại giấy tờ để đính chính lại ngày sinh vì thấy không cần thiết và mất rất nhiều thì giờ vì đã có rất nhiều giấy tờ liên quan phải làm lại. Tôi chỉ sử dụng ngày sình này cho riêng mình và gia đình và vẫn theo thói quen là không tổ chức Sinh Nhật. Mãi cho đến vài năm gần đây khi tôi nghĩ rằng với tuổi tác và sức khỏe của mình, từ nay năm nào tôi cũng coi rằng đây sẽ là năm cuối cùng của mình thì tôi bắt đầu chủ động Tổ chức Sinh Nhật để các con vui và nếu được bạn bè trên mạng biết mà chúc mừng thì tôi cũng thấy rất vui.
Xin thành thật xin lỗi vì đã làm mất thời gian của bạn khi phải đọc một bài tâm sự quá dài.

Photobucket
Ảnh tặng của Blogger MJ

Photobucket

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét