Tôi lưỡng lự mãi khi định Post lên mạng Entry này. Cứ sợ mọi người nghĩ rằng mình thích khoe khoang. Nhưng nghĩ lại thì cũng đúng là như vậy. Có niềm vui thì muốn khoe với bạn bè, khoe để được chia sẻ, để vui hơn chứ không phải khoe khoang là kiêu ngạo.
Anh Minh tôi đã làm xong phim Đừng đốt là một niềm vui rất lớn đối với tôi. Tôi theo rõi cả quá trình làm phim của anh với bao nhiêu lo lắng, hồi hộp. Phim bấm máy được ít lâu thì anh bị bệnh nặng. Bệnh Zona. Đau khủng khiếp nhưng chỉ có thể chịu đựng vì hiện chưa có thuốc nào chữa được. Cả nhà phải chứng kiến cảnh anh vừa đau đớn vừa làm việc. Và cứ thế, kế hoạch sát sao của bộ phim vẫn được hoàn thành đúng tiến độ.
Tôi vô cùng sung sướng khi anh tuyên bố, phim đã hoàn thành và đây là bộ phim anh thấy hài lòng nhất trong các bộ phim của mình. Vẫn như thường lệ, anh bảo Ba, Me và liệt sỹ Đặng Thuỳ Trâm đã phù hộ cho anh.. Trước khi công chiếu có 3 buổi chiếu nội bộ. Buổi nào anh cũng bảo tôi mời bạn bè tôi đến xem, nhưng tôi chỉ dám mời ít thôi vì sợ mọi người không thích.
Bây giờ phim đã chiếu, nhiều bài phê bình đánh giá tốt. Trong số đó tôi thích nhất bài viết của Chu Lai, một nhà văn QĐ, ông đã có nhiều tác phẩm về chiến tranh. Biết rằng bạn bè còn ít người xem phim này. Tôi xin mời các bạn đọc bài viết của Chu Lai, để rồi nếu có điều kiện xin mời các bạn xem phim của anh Minh.
đừng đốt
CHU LAI
Trước khi xem phim, thú thật tự trong thâm tâm tôi không mấy cảm khoái về cuốn nhật ký mang tên Đặng Thuỳ Trâm này, thậm chí có nhà hát đặt tôi viết một vở kịch công phu về chị, tôi đã trả lời:” Xin lỗi, phải chăng cuộc đời chinh chiến của tôi, của đồng đội tôi quá dày dạn, quá khốc liệt nên có thể cảm xúc bị chai rồi nên không hội tụ đủ cảm xúc để viết và nếu có viết thì còn có biết bao các cô gái khác trong rừng nữa mà cuộc đời của họ còn gian truân, phong phú không kém.” Và vì thế, tôi cũng không tin vào bộ phim sẽ thành công dẫu rằng bộ phim đó được thực hiện bởi một đạo diễn tài năng đã có nhiều thành tựu trong làng điện ảnh Việt Nam và khu vực.
ấy vậy mà lạ chưa, khi xem xong Đừng Đốt, cái định kiến cổ hủ pha chút lười nhác ấy trong tôi đã bất ngờ bị phá vỡ. Có cảm giác như lần đầu tiên được tiếp xúc với nó, tươi nguyên, ngỡ ngàng, sâu thẳm và bộn bề. Dẫu biết rằng, thực hiện một bộ phim mang chủ đề sử thi người lính và chiến tranh cách mạng ấy là không dễ, thiên hạ làm nhiều rồi, xem nhiều rồi, cũng có chiều chán rồi, bây giờ lại khai triển nó từ một cuốn nhật ký mang tính chất người thật việc thật đã có tiếng vang làm lay động hàng triệu con tim trong sạch thì liệu có liều lĩnh, có đủ tinh tường, dũng khí vượt qua được cái áp lực quá sức nặng nề về bản chất sáng tạo ấy không? Khó lắm!
Thật may bộ phim đã thoát ra khỏi những con chữ rậm rịt của dòng nhật ký chiến tranh thông thường để nhọc nhằn bay lên, rút tỉa, sắp xếp lại sâu hơn, đa tầng đa nghĩa, truyền cảm mãnh liệt hơn mà vẫn không làm mất đi hồn cốt của câu chuyện. Tức là vẫn trên cái hương liệu quý hiếm ấy, tác giả đã biết chắt chiu chọn lọc dâng cho người xem một món ăn khác mặn mòi, nồng nàn xúc cảm không kém.
Và cái lượng cảm xúc ấy đã liên tục dội vào lòng khán giả những con sóng nhân văn nhân tình khẽ khàng mà dữ dội, dung dị mà ấn tượng, không tuyên ngôn to tát, không gồng mình lên gân, không cố làm ra vẻ anh hùng ca bất tử, cũng không sa vào những nỗi niềm vụn vặt, nó vốn là nó, rất con người, một con người được đặt trong toạ độ chiến tranh và khát vọng, đau thương và hào sảng, cả những phút yếu đuối nao lòng và năng lực vượt thắng mà trước hết là chiến thắng chính mình.
Thường là một khi đụng đến đề tài này, người ta dễ, một là sa vào ồn ào triết luận, vào sự phi thường hoành tráng; hai là mải chạy theo khai thác những đau thương mùi mẫn, những mất mát khổ đau để gặt nước mắt của người xem, ở đây tác giả đã tìm được một cách kể riêng, khách quan, thông minh và trầm tĩnh, cách kể bằng cảm xúc. Tất cả những lời thoại, cảnh quay, tình huống, âm nhạc, tính cách và số phận nhân vật đều bắt đầu từ cảm xúc chân thật rồi mới đến kỹ thuật thổi vào.
Đó chính là thứ cảm xúc mà sự tan hoà , thẩm thấu đã đạt đến độ tận cùng với hơi thở của cuộc sống, với mọi nỗi vui buồn trắc ẩn của con người và với các giá trị thiêng liêng không thể phôi pha trong đáy sâu tâm hồn người nghệ sĩ mà nếu không có nó, mọi tài năng, kỹ sảo, tay nghề dù điêu luyện đến mấy cũng thành KHÔNG.
Nhưng là những cảm xúc có tiết chế vừa độ nhằm tạo ra những thước phim chừng mực. Chừng mực trong cuộc sống bao giờ cũng là quan trọng, chừng mực trong nghệ thuật còn ngàn lần quan trọng hơn.
Như vậy đề tài không bao giờ có tội, cái tội thuộc về cách thức cảm nhận và năng lực triển khai của tác giả.
Với đề tài này, thành công trước hết thuộc về kịch bản.
Cứ thoáng giật mình: nếu biên kịch mà dễ dãi chỉ lo đi mô phỏng, nhăm nhăm bám sát cuốn nhật ký từng chương từng hồi theo yêu cầu đơn thuần phục vụ chính trị mà không xuất bật từ độ rung chân thật, mãnh liệt tự đáy sâu tâm khảm thì cầm bằng thất bại.Thiếu cảm xúc, thiếu từng trải, thiếu dụng công, thiếu tay nghề một chút thôi, bộ phim sẽ biến thành cuốn nhật ký đọc bằng hình chán ngắt, sẽ bị khai tử ngay từ trong trứng nước. ở đây, với nghệ thuật cắt dán tinh xảo, đảo ý đảo tứ hợp lý, kiệm lời, nhấn nhá đậm nhạt khác nhau, mở tuyến mở luồng khoáng đạt, ẩn dụ phúng dụ nhuần nhị, không chỉ bó tròn trong một mạch truyện, trong một số phận, không tặc lưỡi buông trôi khai thác những gì người ta đã biết, chú tâm bổ xung những cảnh đời cảnh huống mới lạ, liều lượng chiến tuyến, hậu phương, cả hậu phương Việt Nam lẫn hậu phương nước Mỹ được pha chế chắt lọc, vừa đủ…Như vậy, từ con chữ sang khuôn hình, một câu chuyện, một số phận đã được nhân lên nhiều câu chuyện, nhiều số phận như những giai điệu xoắn bện, gắn kết hữu cơ cùng tạo đà vút lên trong bản tổng phổ mang âm hưởng lên án chiến tranh, ca ngợi tình yêu, tình người và khát vọng hoà bình muôn thuở.
Và thành công cũng thuộc về bàn tay đạo diễn. Phải chăng do biên kịch và đạo diễn là một nên mọi ý tưởng, ý đồ, cảnh quay, lời thoại đều đạt tới độ tinh lọc hỗ trợ cho nhau, kín đáo nâng nhau lên như một sự nhập hồn, kết dính, khó tìm thấy đoạn thừa, khó nhận ra độ vênh thường thấy giữa kich bản và cảnh quay.
Như thể để thực hiện bộ phim sử thi này, có cảm giác khi ngồi vào bàn tác giả vừa viết vừa khóc, viết thả hết lòng mình, thả hết tâm hồn đa cảm, độ rung thẳm sâu, thảng thốt vào trang giấy để rồi khi bước ra trường quay, cũng vị tác giả ấy đã điều hành mọi việc với tất cả sự tỉnh táo, chính xác của một cái đầu lạnh nhằm chuyển tải đến người xem một lượng thông tin dồi dào nhất. Những cái gì ở kịch bản còn lờ mờ, lúng túng thì vào cảnh quay đã được vót tỉa, dũa mịn, làm tôn rõ, sắc nét lên tất cả. Và ngược lại, chính những cảnh quay trực diện đó đã hà hơi, căn chỉnh cho phần kịch bản được thấu đáo hơn.
Hai mà một, một mà hai. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa một trái tim mỏng rách và một bàn tay phù thuỷ.
Với nghệ thuật, phàm những cái gì bàng bạc, một màu, nước lợ là tự sát. Quá ý thức được điều dó, “Đừng Đốt” đã gắng gỏi đựng chứa trong nội tại của nó nhiều gam màu ấn tượng, tương phản, thậm chí trái ngược nhau đến chói gắt để tạo thành một bức tranh tổng thể trên ý tưởng triết lý: chiến tranh không chỉ là mất mát tận cùng, là máu me lênh láng, là thân xác bị băm chặt rùng rợn mà cạnh đó vẫn tồn tại những khoảnh khắc mộng mơ, lãng mạn của tình yêu, tình đồng đội tồn tại như một chỗ dựa tâm linh, một giá đỡ linh hồn trong những cảnh huống hãi hùng nhất.
Cũng cần nói thêm, với Đứng Đốt, tác giả đã không hề né tránh những thước phim chiến trận trần trụi, khủng khiếp nhất về sự tơi tả, đẫm máu của linh hồn cùng thể xác con người, cả hai bên, mà các phim về đề tài này lâu nay ở ta chưa thể hiện được. Phải chăng tác giả đã vận dụng một thi pháp: Cái này càng ghê rợn thì cái kia càng có điều kiện bay lên như một điều cắt nghĩa, như một lý lẽ vĩnh hằng về năng lực của lòng yêu nước, về con người Việt Nam trong chiến tranh giải phóng dân tộc.
Và có lẽ lần đầu tiên chân dung kẻ thù, hình tượng người lính bên kia chiến hào, thông qua nhân vật Fred, trung sĩ Hiếu…được miêu tả tỉ mẩn, trung thực, có hình khối, có da thịt, có nội tâm bên trong kỹ càng, có thần sắc rõ ràng đến thế, điều mà trước đây trong các bộ phim cứ hễ có người lính ngoại quốc nào là y như rằng người lính ấy không thanh hình nhân vật vờ thì cũng hoá ra cái kẻ lập trình, giả tạo. Chính tuyến nhân vật tưởng như là phụ này đã xoay quanh, phù trợ, tiếp sức nâng thêm chiều kích của bộ phim, đã làm đẹp thêm hình ảnh nhân vật trung tâm, người nữ bác sĩ anh hùng mà nếu thiếu nó, có cảm giác một mình nhân vật Đặng Thuỳ Trâm không cáng đáng nổi cái sức nặng của toạ độ nhân văn đa chiều, phức hợp đè nặng lên đôi vai mảnh dẻ con gái.
Và sự thành công đó không thể không nhắc đến sự đóng góp đáng kể trong mối quan hệ tổng hoà của âm nhạc, âm thanh, quay phim, diễn viên, đặc biệt là năng lực thể hiện của diễn viên. Nét diễn xuất chân chất, hết mình, mộc mạc, đủ nồng độ của họ, từ vai chính đến vai phụ, từ vai người Việt đến vai ngoại quốc đã làm cho bộ phim mang đậm tính chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp ngay cả cách diễn tưởng chừng như rất không chuyên nghiệp, diễn như không, diễn thiên về hướng nội của nữ diễn viên không chuyên Minh Hương mà nếu rơi vào tay một diễn viên gạo cội, dày dặn kinh nnghiệm nào khác có khi chưa chắc đã lên hết cái chất dung dị, tự nhiên của tính cách nhân vật. Giọt nước mắt và nỗi đau của bà mẹ, của người em gái khi nhận được cuốn nhật ký của Thuỳ là những giọt nước mắt, nỗi đau nén chặt, càng nén sức truyền cảm đến người xem càng mạnh mà nếu khác đi, diễn tả quá lên, than khóc, nước mắt lã chã tuôn rơi như thói thường vẫn thế thì có khi lại phản ngược lại. Nhân vật Fred suốt từ đầu đến cuối đều thầm lặng, thầm lặng đến lạnh lùng trước các tình huống căng chùng nhưng đến khi về già, trán hói nhận được tin từ gia đình người nữ liệt sĩ báo sang, người cựu chiến binh ấy mới gục xuống, vai rung lên, cũng vẫn là cái khóc, sự xám hối thầm lặng nhưng là sự thầm lặng của sự tan hoang, đau xé bên trong. Chỉ riêng một cái gục xuống đó đã nâng tầm nhân văn của bộ phim lên một nấc thang cảm nhận, cảm xúc mới mẻ cho người xem trên mọi lứa tuổi, mọi thành phần, mọi chính kiến.
Đừng đốt! Nhưng suốt hơn một giờ đồng hồ nó đã lặng lẽ đốt lên trong lòng người xem những cảm xúc cao đẹp, lành sạch mà không phải bộ phim nào cũng làm được. Đó không phải chỉ là số phận, phẩm chất của một người lính cách mạng mà còn là toàn bộ số phận, phẩm cách của cuộc kháng chiến, của toàn thể dân tộc được dồn tụ, kết tủa trong những khoảnh khắc lịch sử hiểm nghèo ngàn cân treo sợ tóc. Ngồi trước bộ phim sao thấy gần gụi, sâu xa như ngồi trước một cuộc đời, nhiều cuộc đời. Bỗng thấy mọi lo toan, buồn đau, ham hố, cáu giận vặt vãnh đời thường tan ra, đứt cuống. Như vậy, bộ phim bằng những cảnh quay thấm đẫm ngôn ngữ điện ảnh chân thật đã góp phần thức tỉnh, nâng tâm hồn người xem bấy lâu mải bươn chải mưu sinh trễ nải, mệt nhoài lên một trạng thái tư duy, tình cảm khác, đằm nặng và thơi thoáng hơn về mọi lẽ nhân tình thế thái, về chiến tranh và hoà bình, về con người và về cuộc đời, hôm qua và hôm nay, về cái gì là đích thực cái gì là ảo huyền cần phải cho qua.
Hiệu quả nhân sinh cuối cùng của một tác phẩm nghệ thuật là ở chỗ đó, và hiểu quả thẩm mỹ cuối cùng của một bộ phim cũng nằm ở đó.
Đừng đốt! Tôi lại thích cái tên gọi này. Đơn giản và hiện đại, lại ghói ghém ẩn ngầm được toàn bộ triết lý câu chuyện. Và nếu có không thích cũng không sao, tất nhiên là chẳng vì thế mà giá trị bộ phim giảm đi. Nội dung mới là quyết định hết thảy. Có cái tên sách nào khô, chán như cuốn :“Chiến tranh và Hoà bình” nhưng nội dung của nó thì thật là khủng khiếp.
Âm nhạc trong phim cũng vậy. Ca khúc “Bài ca hy vọng” của nhạc sĩ Văn Ký đưa vào đây, giữa đau thương mất mát không cùng là đắc địa, thăm thẳm tâm hồn và làm dịu mềm đi biết bao những cái tưởng như không chịu nổi của cuộc chiến tranh khốc liệt nhất và dặc dài nhất thế giới. Một giai điệu không mới, thậm chí rất xưa cũ nhưng nếu biết đưa nó vào hoàn cảnh nào, tâm thức nào, đột nhiên nó sẽ kêu vang, thao thiết đến lạ kỳ.
*
Tất nhiên cũng có những hạt sạn mà trong quá trình dàn dựng, có thể do ngổn ngang bộn bề quá, tác giả vấp mà không biết. “Đừng đốt, bên trong đã có lửa!” là một mệnh đề nhân văn, là ghói ghọn cả chủ đề nhưng khi người hạ sĩ giác ngộ bật nói ra câu đó thật tiếc lại lọt thỏm, thiếu ăn nhập chỉ vì cuốn nhật ký đó đã có ai định đốt đau mà “đừng!” Anh chàng Fred vẫn cầm trên tay đó chứ. Hơi phí!
Trong nhật ký có một khắc khoải khá lý thú về tính tiểu tư sản của nhân vậtchính bị lên án nhưng ở phim, với mạch đi quá mạnh mà cứ tham lam, tiếc của gài vào là lạc lõng, không cần, dễ bị tản mạn, chùng xuống.
Lại nữa, hai cô y tá được cử đi tải gạo tải thuốc sao lại đi qua cánh đồng lúa giữa ban ngày để rồi bị bắn chết? Nguyên tắc tác chiến tối thiểu trong chiến tranh là chỉ có thể đi ban đêm, đi vào chiều muộn. Chỉ một chi tiết giả này có tác động khong nhỏ đến những chi tiết sau.
Có lời thoại bị bỏ lơ, rơi thõm khiến người xem không thể không áy náy. Ví như lời của bà mẹ Fred ngay sau chiến tranh 75 đã nói với cả nhà rằng phải tìm bằng được gia đình của tác giả cuốn nhật ký nhưng rồi đến hơn ba chục năm sau, Fred mới cất công nhờ tìm mà không có một lý do, một nguyên cớ trắc trở nào cả.
Vân vân…
Dầu vậy, đây là một sản phẩm nghệ thuật mà tác giả của nó rất đáng được tôn vinh bởi lòng dũng cảm dám xông vào và xông một cách suất sắc, chân tài ở một mảng đề tài rất khó nhưng là mảng chính thống đang bị dần dần quên lãng.
Hơn thế, với loại sản phẩm thấm đẫm tình cảm, ni ềm t ự h ào v à đạo lý dân tộc này, ta có nên mang hạch toán lỗ lãi ra để đo hay dở, cao thấp, sức âm vang của nó không hay là một khi đã nhận chân được giá trị thật của nó, bằng các phương tiện truyền thông hữu hiệu hãy kíp thời truyền bá nó ra trong một phạm vi rộng rãi nhất trên tất cả các địa bàn, các vùng dân cư, trong mọi học đường, nhất là trong thế hệ trẻ.
Có những món ăn tinh thần chẳng thể đo đếm bằng các đại lượng vật chất. Bởi vật chất là hữu hạn, còn tinh thần là vô giá.
Đừng Đốt là một món ăn như thế. Xin chúc mừng và cám ơn tác giả và những người làm phim giữa bao ngổn ngang thế sự hom nay mà vẫn bền bỉ,đam mê đổ tâm sức vào một ý tưởng nghệ thuật công phu, tâm huyết như thế.
( Bài viết đã được đăng trên báo Văn nghệ số 21 ra ngày thứ 7 ngày 23-5-2009)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét