Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

Rằm tháng Bảy: trong phim Bao giờ cho đến tháng Mười

Khía cạnh tâm linh trong một tác phẩm đỉnh cao của điện ảnh Việt Nam giữa thập niên 80 thế kỷ XX
Qua một bài viết đăng trên tập san Pháp Luân số ra gần đây, chúng tôi đã có dịp giới thiệu phim truyện Mê Thảo-Thời vang bóng của đạo diễn Việt Linh như một bộ phim chứa đựng yếu tố tâm linh với tư tưởng Phật giáo ẩn hiện phía sau.
Nhưng thực ra, không phải đến Mê Thảo - Thời vang bóng (sản xuất năm 2002), điện ảnh Việt Nam (không kể bộ phận điện ảnh ở miền Nam trước năm 1975) mới có những dấu ấn tâm linh và Phật giáo trên các tác phẩm của mình. Ngay từ giữa thập niên 80 thế kỷ trước, trong hoàn cảnh đặc biệt vào những năm đất nước chưa đổi mới, khi mà tâm linh còn là lãnh vực cấm kỵ của văn học nghệ thuật, đã có một bộ phim, mà một trong những yếu tố tạo thành sự thành công đến mức đặc biệt của nó là yếu tố tâm linh. Ngày rằm tháng bảy, ngày đại xá vong nhân của Phật giáo và cũng là ngày dành cho những người đã khuất theo truyền thống văn hóa dân tộc, đã hiện lên trong phim Bao giờ cho đến tháng mười trong hoàn cảnh đáng lưu ý đó.
Đề cập đến vấn đề tâm linh trong một bộ phim truyện vào thời gian đó là một vấn đề lớn. Đạo diễn phim, ông Đặng Nhật Minh đã viết như sau trong Hồi ký điện ảnh của mình: “Khi bộ phim hoàn thành, giám đốc Hải Ninh yêu cầu cắt bỏ trường đoạn chợ âm dương (tức trường đoạn đến rằm tháng bảy, chú thích của MT) với lý do mê tín dị đoan. Đây là trường đoạn tâm đắc nhất của tôi trong bộ phim này…” (trang 91). Trong đoạn sau của hồi ký dẫn trên, ông viết tiếp: “… đúng như cụ Nguyễn Du viết: ‘Thác là thể xác, còn là tinh anh’ [nguyên văn câu trích của tác giả Đặng Nhật Minh]. Đó là một đặc điểm tâm lý rất Việt Nam. Nhưng giám đốc Hải Ninh không quan tâm đến điều đó. Ông chỉ sợ cấp trên phê bình bộ phim mang màu sắc duy tâm huyền bí, tuyên truyền cho mê tín dị đoan.
Trước áp lực của ông, tôi đành nhân nhượng cắt bớt trường đoạn này, điều làm tôi đau xót vô cùng. Ông thường có một lập luận thoạt nghe rất có lý: bộ phim làm ra không phải của cá nhân một ai. Nó là tài sản chung, là cơm áo gạo tiền của Hãng. Nếu có gì trục trặc, trên không cho ra thì hàng trăm cán bộ công nhân viên của Hãng chết chứ không chỉ mình đạo diễn. Bởi vậy người giám đốc mới là người có trách nhiệm chính đối với bộ phim. Tôi không thể chấp nhận cái lập luận kiểu đó và cương quyết không chịu cắt bỏ thêm một cảnh nào nữa trong trường đoạn chợ âm dương.
Không còn cách nào dồn ép tôi được, giám đốc Hải Ninh bèn mời các cấp trên xuống xem trước cho an toàn. Có lẽ chưa có phim nào của Việt Nam lại phải duyệt đi duyệt lại nhiều tầng nhiều nấc như bộ phim này. Cứ mỗi nấc duyệt lại nảy sinh thêm những rắc rối mới” (trang 93).
Và đạo diễn Đặng Nhật Minh tổng kết: “Tổng cộng tất cả là 13 lần duyệt”.
Trường đoạn chợ âm dương (tức đêm rằm tháng bảy) ra sao mà phức tạp đến vậy? Đó là trường đoạn tập trung yếu tố tâm linh của phim, là điều mà chúng ta đang tìm hiểu. Mặc dù yếu tố tâm linh được thể hiện ở nhiều đoạn trong suốt cả bộ phim, nhưng tất cả những đoạn phim có yếu tố tâm linh khác đều đóng vai trò đề cao trường đoạn chợ âm dương đêm rằm tháng bảy, để từ đó cùng toát lên chất tâm linh của tác phẩm điện ảnh hết sức thành công này.
Vài nét về phim truyện Bao giờ cho đến tháng mười
Bao giờ cho đến tháng mười là một phim truyện đen trắng do Hãng Phim truyện Việt Nam sản xuất vào năm 1985. Tác giả kịch bản Đặng Nhật Minh cũng là đạo diễn phim.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh là một trong những tên tuổi lớn của nền điện ảnh Việt Nam, ông là con trai của một nhà khoa học danh tiếng trong giới y học: Giáo sư Đặng Văn Ngữ. Trước khi làm phim Bao giờ cho đến tháng mười, ông đã có phim Thị xã trong tầm tay đoạt giải Bông Sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam 1983, cũng do ông viết kịch bản và đạo diễn. Phim Bao giờ cho đến tháng mười do diễn viên Lê Vân đóng vai chính (Duyên, vợ của người chiến sĩ tử trận). Có thể coi đây là một trong những tác phẩm điện ảnh thành công nhất của Việt Nam: Giải Bông Sen Vàng liên hoan phim Việt Nam lần thứ VII, 1985, các giải cá nhân cho đạo diễn, diễn viên nữ, diễn viên nam và thiết kế mỹ thuật tại liên hoan phim nói trên, giải đặc biệt của ban giám khảo Liên hoan phim quốc tế Hawaii, Mỹ, 1985. Đạo diễn Đặng Nhật Minh trong quyển Hồi ký điện ảnh đã cho biết: “Không những thế nó còn nhận được mối thiện cảm rất lớn của khán giả nước ngoài. Có lẽ đây là bộ phim Việt Nam đầu tiên đến được với công chúng ngoài biên giới sau năm 1975. Tôi được Đại sứ quán Pháp cấp học bổng sang tu nghiệp tại Pháp trong một năm. Một tháng sau khi tôi tới Paris, Bộ ngoại giao Pháp đã long trọng tổ chức chiếu ra mắt bộ phim này tại rạp chiếu bóng Cosmos trên đại lộ Rue de Reinnes ở trung tâm thành phố. Điều này làm Đại sứ quán ta tại Paris rất ngạc nhiên vì trước tới nay chưa thấy họ làm như vậy bao giờ. Giấy mời tới xem phim được in rất trang trọng. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp Roland Dumas và Bộ trưởng Bộ Văn hoá Pháp Jack Lang cùng đứng tên trên giấy mời. Khách mời là ngoại giao đoàn ở Paris, giới văn nghệ sĩ, điện ảnh Pháp, đại diện Việt kiều. Có thể nói buổi chiếu đã thành công mỹ mãn. Nhà văn kiêm nữ ký giả Pháp Madeleine Riffaut sau khi xem xong nước mắt giàn giụa ôm hôn tôi hồi lâu”.
Cốt truyện phim Bao giờ cho đến tháng mười được chính đạo diễn Đặng Nhật Minh tóm tắt như sau trong Hồi ký điện ảnh: “Mở đầu phim là cảnh chị Duyên về làng sau khi vào Nam thăm chồng về. Nhưng chồng chị đã không còn nữa. Anh đã hi sinh trong một trận chiến đấu ở biên giới Tây Nam. Vì nỗi đau quá bất ngờ, vì đường xa mệt nhọc nên khi qua đò chị đã bị ngất đi, rơi xuống sông. May có Khang, một giáo viên đi cùng đò đã nhảy xuống sông vớt được chị. Khang cũng vớt lên được tờ giấy báo tử của chồng Duyên nên anh trở thành người đầu tiên biết tin này. Nhưng Duyên lại muốn giấu kín tin dữ đó, chị không muốn bố chồng đang già yếu phải đau buồn. Chị đã nhờ Khang viết những lá thư giả để làm an lòng những người trong gia đình chồng, một tình tiết có thật trong đời sống mà tôi được nghe. Mối quan hệ thầm kín của hai người bắt đầu từ đó. Cảm động trước sự hi sinh chịu đựng và nỗi mất mát của Duyên, Khang đã đem lòng yêu mến cô, muốn được thay thế người đã mất, lo toan cho hạnh phúc cho cô và đứa con lên bảy tuổi. Anh viết thư bộc lộ những tình cảm đó với Duyên. Không may bức thư lọt vào tay bà chị dâu và câu chuyện vỡ lở khắp làng. Khang mang tiếng là người yêu phụ nữ có chồng là bộ đội đang chiến đấu ở xa. Anh bị điều đi dạy ở nơi khác. Còn Duyên vẫn âm thầm chịu đựng nỗi đau cho đến ngày ông bố chồng sắp hấp hối bắt cô phải đánh điện xin cho chồng về. Thấy Duyên chần chừ, đứa con trai lên bảy đã tự ý lên bưu điện huyện để đánh điện cho bố. Giữa đường nó xin đi nhờ một xe commanca chở bộ đội. Những người lính trên xe biết rõ sự tình bèn đánh xe quay về làng. Khi họ về đến làng, đứng bên giường của bố chồng Duyên thì cũng vừa lúc cụ trút hơi thở cuối cùng sau khi tin rằng con trai mình đã về. Mọi người trong làng mới biết rằng chồng Duyên đã hi sinh, họ không còn hiểu lầm Khang nữa, nhưng anh đã đi rồi. Bây giờ Duyên lại mong tin anh, mong anh trở lại… Ngày khai giảng, cô đưa con đến trường và hỏi thăm tin anh”
Hiện nay, phim vẫn còn được phát hành chính thức dưới dạng đĩa DVD.
Trường đoạn đêm rằm tháng bảy họp chợ âm dương
Trường đoạn đêm rằm tháng bảy đã được chuẩn bị từ đoạn mở đầu phim. Đến ngôi miếu cổ Duyên nói với người yêu khi đó chưa cưới và còn ở làng, chưa đi bộ đội:
“Bà em kể trước kia cứ ngày rằm tháng bảy ở cạnh miếu này người ta họp chợ. Những người sống và những người chết được gặp nhau”.[1]
Đến sau khi chồng tử trận, lạc đến ngôi miếu trong đêm rằm tháng bảy, Duyên gặp lại chồng giữa “một khu chợ đông đúc hiện ra trong đêm”, sau hình ảnh “những ngọn đèn trôi trên sông dạt vào bãi đá dưới cây muỗm già”.[2]
Tiến sĩ điện ảnh học Ngô Phương Lan trong công trình Tính hiện đại và tính dân tộc trong điện ảnh Việt Nam đã bình luận như sau về trường đoạn này: “Trong phim, chị Duyên còn gặp lại người chồng của mình cùng với bao người đã khuất tại chợ Âm phủ trong đêm rằm tháng bảy. Hầu hết họ là những người lính trẻ như chồng Duyên và cũng ra đi vĩnh viễn vì Tổ quốc suốt chiều dài lịch sử dân tộc, trong đó có cả vị Thành hoàng làng. Trên nền đêm tối, ta như thấy một tấm thảm phủ đầy những đốm lửa nến cháy chập chờn đến vô tận trong khuôn hình sâu hun hút đầy ấn tượng. Duyên trong chiếc áo sơ mi trắng giản dị cùng đi với người chồng trong bộ quân phục mới, họ muốn nắm tay nhau nhưng không thể chạm vào nhau vì một người còn trong cõi thực, người kia đã ở cõi mộng. Người xem như được dắt vào thế giới tâm linh của người Việt Nam, nơi nỗi đau mất mát là nỗi đau chung, tình yêu lứa đôi và tình cảm gia đình hòa vào tình yêu Đất nước”[3].
Tuy nhiên, tiến sĩ Ngô Phương Lan đã chưa chú ý đến một phát ngôn của nhân vật anh bộ đội, chồng Duyên, một phát ngôn của người đã khuất và mang dáng dấp triết lý Bát-nhã của Phật giáo: “Cái còn lại mãi mãi là cái không nhìn thấy được”[4]. Lời thoại này là điểm nhấn mạnh của trường đoạn đêm rằm tháng bảy.
Ngay từ năm 1985, khi xem phim Bao giờ cho đến tháng mười trình chiếu lần đầu tiên tại TP.HCM, chúng tôi đã rợn người với câu nói âm vang ấy của nhân vật anh bộ đội chồng Duyên. Trong khung cảnh nửa thực nửa hư khói sương ảo ảnh của đêm rằm tháng bảy, lời thoại “Cái còn lại mãi mãi là cái không nhìn thấy được” vang lên rõ từng chữ một như câu kinh trầm trầm tan vào trong khoảnh khắc sống chết, còn mất, sắc không linh thiêng…
Thời gian thiêng liêng của tâm linh đó không chấm dứt một cách đột ngột. Duyên về nhà, thấy bố chồng ngồi im lặng trước bàn thờ gia đình trong không gian tranh tối tranh sáng huyền hoặc, ông cụ nói với con dâu “Hôm nay là ngày rằm tháng bảy. Bố quên dặn con thắp hương”.
Tiến sĩ Ngô Phương Lan coi cảnh Duyên tiến đến bàn thờ thắp hương theo lời ông cụ “là một trong những cảnh quay đêm thành công của điện ảnh Việt Nam, không chỉ ở tạo hình mà còn hiệu quả tạo biểu tượng của nó” (chúng ta chú ý đến từ “hiệu quả tạo biểu tượng”)[5]. Trong khói hương mờ mờ đêm khuya rằm tháng bảy, trên khuôn mặt thành tín của Duyên dường như vẫn còn vang vọng câu nói  thấm nhuần triết lý sắc không: “Cái còn lại mãi mãi là cái không nhìn thấy được”[6].
Nếu không còn trường đoạn đêm rằm tháng bảy, Bao giờ cho đến tháng mười sẽ không thể để lại ấn tượng sâu đậm và những cảm xúc mãnh liệt như đã thấy. Những vấn đề lớn mang ý nghĩa triết học mà bộ phim đề cập như còn/ mất, hạnh phúc/ khổ đau, gặp gỡ/ chia lìa, hình sắc/ hư vô… cũng sẽ không còn gì. Khó có thể hình dung phim Bao giờ cho đến tháng mười như hôm nay mà không có trường đoạn chợ âm dương đêm rằm tháng bảy.
Truyền thống từ bi đối với vong nhân trong lễ Vu Lan của Phật giáo đã đi vào lòng dân tộc Việt Nam một cách tuyệt đẹp bằng giai thoại chợ âm dương đêm rằm tháng bảy trong dân gian, và từ đó, được cách điệu thành trường đoạn chợ âm dương cảm động trong phim Bao giờ cho đến tháng mười. Ở đây, không còn ranh giới giữa Phật giáo, tâm thức dân tộc và những cảm xúc thiêng liêng muôn thuở của con người.■
Minh Thạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét