Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

Cùng suy nghĩ


Cùng suy nghĩ
10:08 25 thg 8 2008Công khai0 Lượt xem3
 
Tôi đọc bài này thấy có nhiều điều đúng với những nhận xét và suy nghĩ của mình. Xin trích một phần để đưa vào Blog cá nhân. Có ai thích thì xin cùng đọc và cùng suy nghĩ với tôi

Phạm Ðình Trọng
Nghĩ suy từ Ấn Ðộ

Ấn Ðộ là đất nước của thần linh. Ðó là điều đầu tiên tôi cảm nhận được khi đến Ấn Ðộ. Thần linh hiển hiện trong đền đài kì vĩ có ở khắp nơi trên đất nước mênh mông. Thần linh hiển hiện trong phong tục, tập quán, trong những tín điều, những niềm tin vào một thế giới vĩnh hằng. Thần linh hiển hiện trong tấm lòng nhân hậu, bao dung, thân thiện của con người. Thần linh hiển hiện ở những vị thánh có thật trong cuộc đời: Mahatma Gandhi, Jawaharlal Nehru, Rabindranath Tagore… Những tấm lòng nồng nàn, trân trọng dành cho Việt Nam của ông Geetesh Sharma, bà Kusum Jain, những người sáng lập và tự kiếm tiền duy trì họat động phong phú, hiệu quả của I-VSC (Indo – Vietnam Solidarity Committee - Ủy ban Ðoàn kết Ấn-Việt) suốt nhiều năm qua cũng là những thần linh của tình hữu nghị Ấn Ðộ – Việt Nam. Những thần linh ấy đang có mặt trong cuộc sống bề bộn, tất bật của Ấn Ðộ hôm nay.

Có thần linh là có đức tin, có những tín điều tốt đẹp của mỗi người và của cả xã hội. Vì thế, ở Ấn Ðộ, tôi không hề thấy một quán nhậu. Không tìm thấy ở thành phố Kolkata mười ba triệu dân một quán bia. Puri là thành phố du lịch, trên đường phố nườm nượp khách Âu Mỹ, khách Tây Tạng, khách Nhật Bản… cũng chỉ có những quán giải khát với những lọai nước uống: trà giá 3 Rs (Rupees) một ly, cà phê 5 Rs, sữa 5 Rs, Masala - trà pha sữa tươi đun nóng, 5 Rs. Thống đốc bang Tây Bengan đãi tiệc các nhà đầu tư và khách văn chương nước ngoài dự World Poetry Festival cũng chỉ có nước tinh khiết đóng chai. Các nhà văn, nhà thơ, nhà họat động xã hội nước chủ nhà mời cơm chia tay khách văn chương Việt Nam ở khách sạn ba sao cũng chỉ có nước tinh khiết và những lời nói nồng nàn hơn rượu mạnh.

Việt Nam cũng là đất nước của thần linh. Hơn ngàn năm bị phương bắc cướp nước, hơn trăm năm bị phương tây xâm lược mà những đền, chùa, đình, miếu cổ kính vẫn yên ả dưới tán đa, bên khóm trúc. Nhưng chỉ vài chục năm cách mạng vô sản, nhiều đình chùa có tự ngàn xưa bị san phẳng, thần linh bị báng bổ. Ðức tin và tính bản thiện trong con người mất đi, thay vào đó là sự đố kị, tranh giành, đấu đá nhau. Người hiền có tâm và có tài đành lui về trong dân dã. Kẻ bất tài tham lam thắng thế. Những thần linh giả được đôn lên. Thần tài được tôn thờ. Ở cơ quan nhà nước, thay vì thờ thần Dân, nguyện làm công bộc cho Dân, người ta chỉ biết có thần tài. Lập bàn thờ thần tài ở cơ quan, rồi lại dùng thời gian của dân, tiền bạc của dân, xe công của dân đi chùa xa, chùa gần cầu tài cầu lộc cho riêng mình!
Với người có đức tin thì thần phật ở ngay trong tâm họ. Ðó là thế giới tâm linh sâu thẳm, yên tĩnh của họ. Còn với người vụ lợi, không có thế giới tâm linh, họ chỉ có thế giới vật chất, thế giới ô trọc của ăn nhậu. Công chức nhà nước hết giờ làm việc hẹn nhau ở nhà hàng, quán nhậu. Buổi trưa, buổi chiều, bàn nhậu tràn ra kín vỉa hè. Những tiếng gào “Dzô!” đầy hứng khởi vang rền từ phố phường đến làng mạc.

Dzô! Tiếng gào thèm khát ấy làm méo mó cả nền kinh tế. Ðất nước chỉ có hơn tám mươi triệu dân còn ở mức sống nghèo khổ, thu nhập vào loại thấp nhất thế giới mà có cả gần chục nhà máy bia trải đều từ bắc vào nam! Thác bia xối xả đổ vào cuộc sống, làm sạt lở cả nền văn hiến do dòng chảy văn minh sông Hồng hàng ngàn năm bồi đắp nên. Tiền nộp ngân sách nhà nước của nhà máy bia Huda trở thành nguồn thu ngân sách lớn nhất tỉnh Thừa Thiên Huế. Vì thế, người dân càng uống nhiều bia thì ngân sách nhà nước càng có nhiều tiền cho các quan tham bòn rút! Nền kinh tế trông nhờ vào những li bia sủi bọt là nền kinh tế ăn xổi ở thì, nền kinh tế bóc lột hiện tại và lạm thu vào tương lai, vì tương lai sẽ phải trả giá cho nguồn thu từ những li bia hôm nay!

Dzô! Tiếng gào khoái trá, ham hố ấy làm băng họai cả xã hội. Hầu hết những thỏa thuận khuất tất, những liên minh làm ăn phi pháp, những lối đi đêm ma quỉ, những cuộc mua bán lương tâm đều diễn ra ở những quán nhậu đãi đằng nhau. Tiền chi cho những bữa nhậu đó nếu không là tiền chùa thì cũng là tiền “đầu tư ban đầu” của những phi vụ làm ăn phi pháp!

Dzô! Tiếng gào man rợ ấy tàn phá xã hội từ tế bào nhỏ nhất là gia đình. Bữa cơm là giây phút đầm ấm, thiêng liêng của mỗi gia đình, nó tạo nên lực hướng tâm bền vững của tế bào gia đình, trong đó người đàn ông, người chồng, người cha là trung tâm, là hạt nhân tế bào đó. Những cuộc hẹn hò triền miên ở nhà hàng, quán nhậu đã bứt những hạt nhân ấy ra khỏi tế bào gia đình. Thiếu vắng hạt nhân tế bào, lực kết dính của tế bào gia đình suy giảm, sự bền vững của gia đình cũng suy giảm theo. Thiếu vắng hạt nhân gia đình, giáo dục gia đình cũng thiếu vắng, những đứa trẻ trong gia đình trở nên bơ vơ, sẽ bị lực hút của những tội lỗi xã hội lôi cuốn!

Không gian ăn nhậu trải rộng khắp nước, không khí ăn nhậu bao trùm xã hội đã tạo ra một hạng người “ăn lấy được” khá đông đảo. Và tham nhũng cứ tràn lan!

Thế kỉ hai mươi sôi sục những cuộc cách mạng xã hội giành lại phẩm giá dân tộc và ào ạt những cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật đưa con người bước những bước dài vào khám phá thế giới tự nhiên. Ðó là thế kỉ con người nhận thức lại thế giới và các dân tộc nhận thức lại mình. Bùng nổ domino, những cuộc cách mạng ấy cuốn hút cả loài người vào dòng thác tiến hóa, không dân tộc nào có thể đứng riêng lẻ, biệt lập. Các dân tộc đều cần có nhau, liên quan với nhau. Vì thế, nhận thức lại dân tộc mình, nhận thức lại thế giới cũng đòi hỏi phải nhận thức ra bạn đường của dân tộc mình và nhận thức ra hướng đi cần thiết, phù hợp cho dân tộc mình. Ấn Ðộ là một dân tộc rất gần gũi với chúng ta. Gần gũi về địa lí. Gần gũi về văn hóa. Gần gũi về tâm hồn. Gần gũi về lối sống. Gần gũi cả về trình độ phát triển xã hội. Ấn Ðộ và Việt Nam lại cùng có chung hoàn cảnh lịch sử, cùng là nước nông nghiệp lạc hậu bị tư bản công nghiệp phương tây xâm chiếm, bị tước đọat độc lập, cướp bóc tài nguyên, bóc lột sức người. Nhưng để giành lại phẩm giá dân tộc, mỗi nước đã chọn một con đường khác nhau, phải trả giá khác nhau và các hệ hụy còn đến hôm nay cũng khác nhau. Ðến Ấn Ðộ, tôi cứ suy nghĩ không yên về cái khác nhau ấy.

Ảnh của Nguyệt Ánh
4000 
  • LTH
    • LTH
    • 20:12 28 thg 8 2008
    Tôi đồng tình với những điều tác giả nêu trên. Đất nước mình đang mắc những bệnh vô phương cứu chữa. Không biết đến thế kỷ nào mới có được một xã hội như chúng ta mơ ước? 
     
    • Kỳgai
          Tôi rất đồng cảm và tán thành thái độ của tác giả. Trong khi rất nhiều tiêu chí tốt đẹp khác VN thường đứng vị trí trên dưới 100 thì riêng v/đ tiêu thụ bia rượu thì nghe nói VN đứng vào loại top ten ? Thật là " vinh hạnh".  Xin bổ xung một đặc điểm nữa là tệ nạn này càng ngày càng được trẻ hoá, trước đây vào cái thời chúng ta còn trẻ không bao giờ thấy TN 20-25 tuổi ngồi lê la ở những quán nhậu, mà thật ra hồi đó tôi không thấy có mấy quán bia rượu chềnh ềnh ra giữa mặt phố như bây giờ. Xin kể hai câu chuyện có thật ở đơn vị trước đây tôi làm việc để các cụ thấy rõ hơn về cái tệ nạn này : Ở một công trường nọ, có ông trưởng BCH công trường, được anh em mời đi ăn sáng, ông ta và mấy anh em đã ăn sáng  đến... tận 11 giờ đêm mới thất thểu về nhà, chỉ vì khi vào quán ăn sáng thấy có bình rượu thuốc rất hoành tráng. Một lần khác một ông phó TGĐ ngồi xe con của công ty từ TPHCM đi ra Phan Thiết ( cách TPHCM 200 km) để dự họp giao ban công trường, 200 km ông đã đi mất ... 3 ngày trời, vì ông ta phải rẽ vào " giải khát " ở vài nơi, đến công trường ngọc thể bất an, nên phải dưỡng sức thêm vài ngày nữa , nhưng không sao, ông vẫn là người đến sớm nhất để huấn thị anh em trong buổi giao ban ... của tuần sau.
      • Người dùng Yahoo!
        • Người dùng Yahoo!
        • 10:37 25 thg 8 2008
        phật dạy ta phải làm tâm thanh tịnh , vậy xin hỏi bạn một điều
        bạn có thể không có ghen ghét hận thù khi trong lòng vẫn còn có yêu thương.
         
        • Nguyệt Ánh
          Vâng Yêu thương và Thấu hiểu sẽ làm cho trong lòng ta không còn Ghen ghét và hận thù.Tâm ta sẽ được thanh tịnh.

      Không có nhận xét nào:

      Đăng nhận xét