Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

Ngày giỗ m


Ngày giỗ Em
19:10 3 thg 5 2008Cá nhân0 Lượt xem3
 
Host unlimited photos at slide.com for FREE!
Hôm nay giỗ Em, ngày 28 tháng 3 âm lịch. Em mất ngày 14 tháng 5 năm 1969. Ba mất được 2 năm thì Em mất. Em đã không vượt qua được nỗi đau thương quá lớn lao vì sự ra đi quá đột ngột của Ba.
Mọi người không ai hình dung nổi chị sẽ sống ra sao khi mất Em. Những ngày đó thật khủng khiếp. Ngày nào chị cũng đi đón Em. Máy bay oanh tạc Hà Nội dữ dội. Tầu Liên Vận Quốc tế về Hà nội mỗi ngày đậu một nơi. Khi Đông Anh, khi Gia Lâm, khi Hà nội mà toàn vào ban đêm. Chị cứ lao đến mà không biết sợ là gì. Mọi người cũng phải theo chị mà không ai giám nói với chị rằng Em sẽ không về nữa. Chị không bao giờ đón được Em vì Em đã mất trên đường từ Leningrat về Mạc tư Khoa.
Thế rồi chị cũng phải chấp nhận sự thật và vượt qua, với niềm an ủi rằng : Ba Me thương Em quá, không muốn cho Em phải chịu khổ nên đã đón Em về với Ba Me.
Em mất đã 39 năm rồi, nhưng chị em mình xa nhau đã 42 năm. Lần cuối cùng chị em mình gặp nhau là tháng 5-1966 khi Em về phép sau 3 năm học ở Leningrat. Lúc đó chị đang làm việc ở nhà máy TTLL trên Phú Thọ. Được tin Em về chị xin nghỉ phép. Đạp xe cả đêm qua đường phà Trung Hà để về Hà nội, rồi về Viện Sốt rét ở Mễ Trì nơi Ba và Em đang ở. Mấy ngày đó chị em mình không đi đâu chỉ ở nhà nói chuyện với nhau rồi nấu cơm cho Ba ăn. Dọn dẹp nhà cửa, sửa chữa, vá víu quần áo cho Ba. Em tháo cái áo len dài tay của Ba rồi đan lại cộc tay vì cái cũ vừa rách, vừa chật. Hai chị em thương Ba quá, chúng mình đi xa Ba cứ phải sống một mình không ai chăm sóc. Nhưng như Em nói :’ Ba sống cao thượng và chẳng bao giờ thấy thiếu cái gì. Ba có nghị lực nên Ba không buồn và không để cho những tình cảm buồn bã quấy rầy’.
Ba ngày phép qua đi rất nhanh, chị lại đạp xe về Phú Thọ. Hy vọng là sẽ còn được về một lần nữa để tiễn Em, còn Em thì muốn sẽ lên thăm chị. Em nói Em muốn biết nơi chi ở để có thể hình dung và tưởng tượng về cuộc sống của chị khi nhớ chị.
Nhưng mọi hy vọng, mong muốn đều không thành hiện thực. Ba ngày phép của chị là 3 ngày cuối cùng chị em mình được ở bên nhau.
Năm nào giỗ Em chị cũng buồn. Đọc lại thư Em, nhớ Em vô hạn. Trong thư Em thường bảo : ‘Em chỉ thích chị vui và sống vô tư, thoải mái thôi, Em rất thích tính chị.’ Chỉ  hôm nay thôi, ngày mai chị lại vui Quý nhé.
Chị chép lại bài thơ dạo đó Em làm khi ngồi trên tầu cùng Hương Đệ.

          “ Hương Đệ ơi một đồi cỏ
          Những bông hoa nho nhỏ giữa rừng xanh
          Chim líu lo ôi không khí trong lành
          Sáng mát rượi tầu lướt nhanh trong gió             

          Ta yêu quê, yêu đồi nương cây cỏ
          Yêu những mái nhà nho nhỏ giữa rừng sâu
          Yêu con sông, yêu lắm những nhịp cầu,
          Yêu mặt đất yêu bầu trời cao rộng
          Yêu cuộc sống mỗi ngày vui lao động
          Yêu những con người giầu rộng tình thương
          Trong đấu tranh anh dũng quật cường
          Yêu Cồn cỏ, Hiền Lương, Đồng hới.
          Cầm chắc súng vẫn cuốc cầy vun xới.
          Trồng hoa thơm cho thắng lợi ngày sau.
Ảnh của Nguyệt Ánh
4000 
  • LTH
    • LTH
    • 17:18 22 thg 5 2008
    Đọc bài của Ánh cảm động quá. Nguyệt Quý trong ảnh trông khỏe mạnh chứ không gầy yếu như hồi nhỏ. Chuyện về chiếc áo len... cũng rất cảm động.
    • Trâm Ngọc
      Ảnh Nguyệt Quý chụp ở Nga xinh quá, không bị gầy và buồn như hồi nhỏ, nét lại rất Tây. Quý làm thơ hay, đầy cảm xúc. Quý là niềm tự hào của Ánh đấy! 
      • luson.quelam
        Những chuyện của Nguyệt Ánh kể trong Blog thường rất buồn. Nhưng người đọc  soi vào đó thấy dường như những nỗi buồn ấy mình đã trải qua. Đất nước loan lạc, ly biệt hầu như chúng ta đều có 1 mẫu số chung . Cảm ơn Blog đã tạo điều kiện để chúng ta hiểu về nhau hơn, quý trong nhau hơn. Thỉnh thoảng đi qua những con phố mang tên cha của các bạn ( như Đặng văn Ngữ, Nguyễn văn Huyên...) mình lại nghĩ về các bạn . Cả 1 đường phố nhà cao cửa rộng đã mang tên cha bạn , nhưng có ai biết đã 1 thời ông từng phải mặc tấm áo len rách để chống chọi với cái rét mùa Đông ....(Quang Trung)

      Không có nhận xét nào:

      Đăng nhận xét