Trả lời câu hỏi của Blog Lsql : Ngày 30/4/1975 bạn đang ở đâu. Lẽ ra có thể viết rất ngắn gọn. Nhưng khi viết kỷ niệm cũ cứ kéo về, dài dòng và liên miên. Viết xong mới thấy là nó không hợp để đưa lên Blog chung vì nó có quá nhiều riêng tư không cần thiết. Hơn nữa lại quá dài làm mệt người đọc. Vì vậy chỉ để ở Blog của mình không chuyển lên LSQL nhé.
Không thể nào diễn tả được hết sự sốt ruột của tôi trong những ngày ấy, những ngày cuối cùng của 4 năm học ở Đức, những ngày cuộc chiến tranh chống Mỹ của nhân dân ta đang bước vào giai đoạn cuối. Tin chiến thắng dồn dập bay sang khiến những người con ở xa quê hương như chúng tôi cảm thấy vô cùng sung sướng nhưng cũng vô cùng nóng ruột. Chiến tranh sắp kết thúc rồi, miền nam sắp được giải phóng rồi. Thế mà chúng tôi vẫn ở đây, liệu còn kịp tham gia vào cuộc chiến đấu, có mặt trong giờ phút thiêng liêng hào hùng của dân tộc ?.
Tôi bảo vệ luận án vào ngày 13-12-1974. Lập tức đặt vé máy bay và ôm con nhỏ bay về nước. Mọi người rất ngạc nhiên vì lẽ ra tôi có thể đợi thêm ít tháng, chờ chồng bảo vệ xong rồi cùng về thì đỡ vất vả cho tôi rất nhiều.
Về đến nhà, hôm sau tôi lên cục cán bộ để làm thủ tục trở về Bộ Tư lệnh Thông tin Liên Lạc. Chúng tôi ở trong quân đội, khi đi học thì cắt quân số của đơn vị cũ và chuyển về cho cục Cán bộ quản lý. Tôi không được làm thủ tục ngay mà được hẹn ngày hôm sau đến gặp thủ trưởng Cục. Thủ trưỡng Hà Huy Đức tiếp tôi và thông báo cho tôi biết : Tôi sẽ được phân về Viện Kỹ Thuật Quân sự. Theo chủ trương của Bộ thì Phó Tiến Sý sẽ tập trung về Viện KTQS để làm công tác nghiên cứu, các quân binh chủng chỉ làm công tác triển khai Kỹ thuật phục vụ chiến đấu nên không cần PTS.
Tôi hết sức bất ngờ và rất buồn trước quyết định điều động này. Bộ TLTT đã trở thành gia đình rất thân yêu và gần gũi của tôi. Tôi là lứa nữ Kỹ sư đầu tiên về binh chủng. Tôi gắn bó với phòng Kỹ thuật Bộ tư lệnh và nhà máy Thông tin LL. Ở đâu tôi cũng được mọi người yêu mến và đặt vào tôi nhiều niềm tin. Tôi đã khóc rất nhiều khi chia tay với các thủ trưởng Bộ TLTT, với bạn bè ở những nơi tôi đã làm việc. Nhưng mệnh lệnh thì không thể không thi hành.
Tôi đã đến nộp hồ sơ và nhận nhiệm vụ tại Viện KTQS. Được phân về Phân vện Điện tử do Đại tá Trần Thúc Vân phụ trách. Về phòng Điện tử. Nhiệm vụ trước tiên là tìm hiểu công việc của phòng và đồng thời cũng tham gia ngay vào một đề tài mà phòng đang triển khai. Đó là đề tài máy bay Không người lái. Mọi người đang tìm cách vẽ lại sơ đồ bộ phận điều khiển của máy bay không người lái từ một hiện vật từ chiến trường đem về.
Mọi người làm việc chăm chỉ, nghiêm túc, nhưng hễ có thì giờ là bàn tán về các tin tức ở chiến trường. Viện đã có nhều đoàn đi B. Đồng chí Viện trưởng Hoàng Đình Phu cũng đang dẫn một đoàn gồm hầu hết các cán bộ chủ chốt của Viện vào chiến trường. Những người ở lại phải làm việc nhiều hơn thay cho người ra đi, nhưng ai cũng mong ngóng đến lượt mình.
Và thật bất ngờ, một ngày đầu tháng 3 năm 1975. Phòng cán bộ thông báo với tôi : Thủ trưởng Hoàng Đình Phu điện ra yêu cầu Viện phải tổ chức một đoàn để đưa tôi vào chiến trường. Nhận được tin, lẽ ra là niềm vui tột cùng của tôi, nguyện vọng tha thiết bấy lâu nay đã thành hiện thực. Nhưng sau phút giây sung sướng là sự lo lắng vô cùng- Làm thế nào bây giờ khi tôi biết là lúc này mình đã có mang.
Tôi gặp Dì Toản, Dì Nguyễn Ngọc Toản của tôi là Bác sỹ quân y, chủ nhiệm khoa Sản bệnh vện 108. Tôi đề nghị bà giúp tôi giải quyết cái thai trong bụng. Bà bảo dù có giải quyết thì cháu cũng không thể đi ngay được, chỉ có cách là cứ giữ, Dì sẽ cho cháu thuốc an thai dùng đi đường và khi cần thiết. Tôi đồng ý vì cũng chỉ còn cách đó thôi.
Chúng tôi được trang bị ba lô, quân phục, tăng võng, lương thực,đồ dùng như chiến sỹ đi B. Nhưng không phải hành quân đi bộ mà đi bằng ô tô. Đoàn chúng tôi gồm 4 người đi trên một chiếc xe com măng ca.
Đường rất xóc, nhưng tôi rất khỏe, không có gì xẩy ra. Dọc đường gặp nhiều đơn vị hành quân hối hả. Tôi không nhớ là đi mất mấy ngày. Nhưng không thể nào quên cái đêm 26 tháng 3, khi chúng tôi dừng lại ở binh trạm cuối cùng trước khi đến Huế thì được tin Huế đã giải phóng. Không khí ở binh trạm thật náo động, mọi người ôm lấy nhau và hò reo la hét. Tôi bàng hoàng, không thể hình dung nổi niềm mơ ước lớn lao lại đến một cách nhanh chóng và bất ngờ đến thế. Trên con đường này Ba đã đi mà Ba chưa về được đến Huế. Thì hôm nay Huế đã giải phóng rồi. Trong đầu óc tôi văng vẳng bài thơ của em Quý.
Ba ơi, Quê hương mình giải phóng
Cả miền nam gío lộng cờ bay
Xác quân thù vụn nát hôm nay
Là lửa hận bao ngày đã nổ
Một ngày mai ngàn hoa sẽ nở
Khắp quê hương muôn mầu rực rỡ
Con sẽ tìm những đoá hoa tươi
Đặt trên mộ Ba, những nhành hoa đẹp nhất ở trên đời.
Tôi nhớ đến anh Minh, anh cũng đang vào Sài Gòn trong một đoàn làm phim. Tôi không nhận được tin tức gì của anh nên lo cho anh lắm.
Đêm hôm đó chúng tôi không hề ngủ và sáng hôm sau rất sớm xe chúng tôi đã đi tiếp để đến sân bay Phú Bài. Chúng tôi được lệnh nằm lại Phú Bài chờ Đà Nẵng giải phóng để là những người đầu tiên vào tiếp quảng trung tâm thông tin trên Bán đảo Sơn Trà.
Chúng tôi được đưa vào một căn nhà một tầng và được căn dặn là không được đi đâu vì xung quanh là đầy rẫy bom mìn chưa được tháo gỡ. Thức ăn hàng ngày là các bánh lương khô mang theo. Cảm giác nhắc tôi về cái thai trong bụng là sự thèm ăn ghê gớm.
Ngồi trong nhà tôi cứ tưởng tượng. Bên tay phải tôi cách chừng 20 Km là An Cựu. Nơi đó có ngôi nhà của gia đình tôi. Nhà ở ngay cạnh chợ An Cựu nên tôi nghĩ là mình có thể tự tìm đến được. Nhưng tôi không hình dung ra là mình sẽ trở về đó một minh như thế nào. Tôi có thể đi khắp thế giới một mình, nhưng trong trí tưởng tượng của mình ngày trở về ngôi nhà đó tôi phải đi cùng với Ba tôi.
Suốt 8 năm ba tôi ở Nhật, bốn mẹ con tôi đã sống trong ngôi nhà đó với ông bà, bác, chú thím, o dượng và các anh chị em họ của tôi. Những năm sau này khi Me tôi không còn nữa thì Ba và chúng tôi thường ngồi kể cho nhau nghe về những kỷ niệm cũ và cùng ao ước tới ngày Ba dẫn chúng tôi trở về nơi đó. Bây giờ tôi ngồi đây, rất gần thôi nhưng tôi không được về và thật lòng tôi cũng không muốn về, tôi thấy sợ.
Bên tay trái tôi, không biết cách xa bao nhiêu cây số là vùng chiến khu A Sầu-A Lưới, nơi Ba tôi đã nằm xuống cách đây 5 năm.
Ba quyết tâm xin đi B, tôi biết, ngoài cái chung như mọi người còn vì cái riêng : Nỗi nhớ thương da diết Bà nội. Ba mong gặp lại Bà và sợ rằng không kịp chờ đến ngày giải phóng vì Bà đã quá già. Ba đi đến quê và dừng lại để làm phòng thí nghiệm ở đó. Máy bay B52 đã ném bom tàn sát khu vực đoàn Ba ở. Ba ơi, ba đã không về được đến nhà trong khi Bà nội cũng đang nóng lòng mong đợi Ba. Bây giờ thì Bà cũng mất rồi Ba ạ. Bà mất năm 1969 sau khi Ba mất 2 năm.
Ngày 29 tháng 3 Đà Nẵng giải phóng. Chúng tôi tức tốc lên đường. Ngồi trên xe im lặng, nhưng ruột gan ai cũng rối bời, sốt ruột, mong xe chạy thật nhanh. Xe chạy rất chậm, đường luôn bị tắc bởi các đoàn người ùn ùn chạy về cả hai phía, chạy ra Huế và chạy vào Đà Nẵng. Xe cộ cũng rất nhiều và đặc biệt trên đường tôi nhìn thấy nhiều xác chết, xe cộ hỏng và đồ đạc vứt lung tung.
Chúng tôi đến Đà Nẵng, sau khi đến trình diện ở ban Quân quản thì xe đưa chúng tôi ra ngay bán đảo Sơn Trà. Chúng tôi không phải là đoàn đầu tiên đến đây, đoàn của Bộ tư lệnh TT đến trước. Đó là đều chúng tôi lo nhất. Nhưng thật may mắn, đoàn của Bộ TLTT do thiếu tá Lê Thu Sương làm trưởng đoàn. Thu Sương học Bách Khoa khóa7, sau tôi 2 khóa, tốt nghiệp thì nhập ngũ và được phân về Bộ TLTT, cùng làm việc với tôi. Lúc nào tôi cũng là người chị và thủ trưởng của cô ấy. Những người khác trong đoàn cũng đều là người quen biết đã cùng làm việc với tôi. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, và dường như không cần giới thiệu, không cần phân công. Chúng tôi bắt tay vào làm việc cùng với nhau và tôi là người phụ trách chung.
Trung tâm thông tin ở Bán đảo Sơn Trà gần như còn nguyên vẹn vì địch rút chạy vội vã không kịp phá hoại. Việc tiếp quản của chúng tôi rất thuận lợi vì được sự giúp đỡ tận tình của một số sỹ quan cũ còn ở lai. Họ là những người đã tham gia bảo vệ, giữ gìn thiết bị máy móc trong khi hỗn loạn và bây giờ bàn giao lại cho chúng tôi với đầy đủ cả giấy tờ sổ sách. Khó khăn nhất mà chúng tôi gặp phải là tiếng Anh. Tên khí tài, thiết bị, thuyết mnh hướng dẫn… tất cả đều là tiếng Anh mà chúng tôi thì không ai biết. May mà tíêng Đức lại rất giống tiếng Anh ở cách viết nên tôi có thể hiểu được khá dễ dàng.
Chúng tôi làm việc khẩn trương với hy vọng sẽ được tiếp tục tiến vào Sài Gòn. Nhưng sau 2 tuần, khi công việc đã tạm ổn thì đoàn chúng tôi nhận được chỉ thị của thủ trưởng Hoàng Đình Phu là lập tức trở về Viện.
Chúng tôi rất buồn, nhưng mệnh lệnh là mệnh lệnh. Ra đến Viện tôi mới biết rằng chúng tôi sẽ được học tập, huấn luyện chuẩn bị tiếp quản Sài Gòn. Lần này là một đoàn lớn gồm cán bộ của tất cả các phân viện và sẽ đi lâu dài nên phải chuẩn bị rất kỹ càng.
Tin Sài Gòn giải phóng đến thật bất ngờ. Hôm đó là ngày 30 tháng 4. Lúc đó là sau giờ làm việc, tôi đã về nhà. Nhà tôi ở góc phố Phạm Đình Hồ, Tăng Bạt Hổ, có ban công to nhìn ra đường. Đài phát thanh đưa tin khi tôi đang chuẩn bị bữa ăn chiều. Tiếng hò reo vang dậy, tôi vội chạy ra ban công. Mọi người chạy ùa ra đường. Tôi lặng lẽ quay vào nhà , ôm Bạch Dương, con gái tôi vào lòng, tôi khóc.
Tôi được cử vào làm việc tại trung tâm máy tính trong sân bay Tân Sơn Nhất một thời gian khá dài. Đi lại toàn bằng máy bay quân sự nên không khó khăn gì, nhưng không ghé được Huế, cho nên tôi đã xin nghỉ phép cùng bà con họ hàng miền Bắc về thăm quê.
Đúng Noen năm 1975 tôi sinh cháu Nguyễn Thanh Tùng, năm nay cháu 33 tuổi. Tôi viết bài này là để lại cho cháu để sau này khi cháu nhớ đến Mẹ thì đọc
- Con rất tự hào về mẹ!Trả lời nhận xét này
- Con rất tự hào về mẹ!Trả lời nhận xét này
- Bài của Ánh viết rất tình cảm. Cháu Thanh Tùng mà đọc sẽ tự hào vì đã cùng mẹ đi tiếp quản! Ánh được ba phù hộ nên cả hai mẹ con đi vất vả thế mà vẫn khỏe mạnh trở về, thật có phúc!Trả lời nhận xét này
- Mình cận thị ,mấy lần xung -phong đi bộ đội đều bị loại, Cũng may nếu vào lính thì mã mình giỏi lắm chỉ lên lon ĐẠISỸ là cùng. Vào trúng đơn-vị của N-ÁNH thì gay to. Làm quan to, mà dân dã là quý hóa lắm, trong lớp mình cụ là thuộc loai TO đấy. Từ quan làm ôsin không lương ! các cháu của cụ chắc chắn được hưởng phúc lớn của các cụ bên ngoai ,vậy cụ cứ an hưởng tuổi già ,cho chúng bạn ngày nào cũng thấy NGUYỆT-ÁNH trên blog là vui rồi