Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

Nghệ thuật tranh cát ở VN

Nghệ thuật tranh cát ở VN
17:22 20 thg 11 2011Cá nhân0 Lượt xem0
 
Sửng sốt ‘ảo thuật với cát’ ở Việt Nam
Cập nhật lúc :9:49 AM, 16/11/2011
(ĐVO) Ngoài sự tập trung vào đôi tay, còn phải điều chỉnh nhịp điệu câu chuyện sao cho khớp với âm nhạc, chuyển động của cơ thể ngẫu hứng nhưng vẫn giao tiếp được với người xem... Đôi khi ngẫu hứng quá nên tung cát bay mù mịt...
Dù xuất hiện từ lâu, nghệ thuật biểu diễn tranh cát (sand animation) chỉ trở thành một “cơn sốt”  từ năm 2009, khi những clip biểu diễn tranh cát cực kỳ điêu luyện của cô gái người Ukraina Kseniya Simonova tạo ra một hiện tượng trong cộng đồng mạng quốc tế.

Trong loại hình nghệ thuật độc đáo này, những bức tranh thường được người họa sĩ vẽ bằng cát trên một mặt kính bên dưới có đèn chiếu. Dưới bàn tay khéo léo, những hình ảnh bằng cát trên bức tranh thay đổi liên tục một cách huyền ảo, hết lớp này đến lớp khác. Quá trình biểu diễn được một chiếc camera ghi lại và trình chiếu trực tiếp lên một màn hình lớn kết hợp với nhạc nền phù hợp.

Những tác phẩm của nghệ thuật biểu diễn tranh cát chỉ tồn tại trong buổi biểu diễn. Tuy nhiên, ngoài việc xem biểu diễn trực tiếp, nhiều tác phẩm đã được ghi hình và đăng tải trên internet, giúp đông đảo khán giả có thể thưởng thức qua màn hình máy tính.

Thời gian gần đây, hình thức nghệ thuật này đã được một số bạn trẻ ở Việt Nam quan tâm và theo đuổi. Họa sĩ Anh Vũ là một gương mặt tiêu biểu với khá nhiều clip biểu diễn tranh cát đặc sắc đăng tải trên Youtube, thu hút hàng chục nghìn lượt xem.
"Bonjour VietNam", một clip biểu diễn tranh cát được nhiều người biết đến của họa sĩ Anh Vũ.

Trao đổi với Đất Việt, anh Vũ cho biết, anh khởi đầu niềm đam mê với nghệ thuật biểu diễn tranh cát sau khi bị chinh phục bởi những clip rất ấn tượng của các nghệ sĩ quốc tế trên Youtube. Anh bắt đầu học bộ môn nghệ thuật độc đáo này từ cách đây 2 năm, khi còn ở quê nhà Hải Phòng. Sau khi vào TP HCM, kỹ năng của anh tiếp tục hoàn thiện khi được gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm với một vài người bạn có cùng niềm đam mê biểu diễn tranh cát.

Theo anh Vũ, nghệ thuật biểu diễn tranh cát đòi hỏi nhiều kỹ năng như hình họa, cảm thụ âm nhạc, xây dựng kịch bản, xử lý âm thanh, hình ảnh… nhưng quan trọng nhất vẫn là khả năng sáng tạo của người họa sĩ. Có lẽ, do công phu như vậy mà nghệ thuật này khá kén chọn người. Cho đến giờ, số người có thể biểu diễn tranh cát ở TP HCM mà anh biết chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Những trang thiết bị cần có để biểu diễn tranh cát không quá phức tạp. “Giá vẽ” thường là một mặt kính, phía dưới có đèn chiếu. Sau này họa sĩ thay đèn chiếu bằng một màn hình LCD, giúp cho việc chiếu sáng được đa dạng hơn. Họa sĩ sẽ diễn “live” theo âm nhạc chạy đĩa. Trong khi biểu diễn, một chiếc camera gắn trên cao sẽ truyền hình ảnh ra máy chiếu cho khán giả thưởng thức.

Cát dùng để vẽ tranh là loại cát nhỏ, tốt nhất là một loại cát của Pháp mà anh Vũ thường nhờ bạn bè kiếm hộ. Nếu không có loại cát này thì dùng cát xây dựng thông thường cũng được.

Một màn trình diễn "phá cách" trên mặt bàn gỗ thay vì mặt kính của họa sĩ Anh Vũ.

Khi biết được khả năng của họa sĩ Anh Vũ, nhiều nơi đã nhờ anh đến biểu diễn khi tổ chức các sự kiện. Nhờ đó, anh Vũ có thêm một “nghề tay trái” là họa sĩ biểu diễn tranh cát bên cạnh công việc quản lý một công ty tư vấn thiết kế - thi công.

“Biểu diễn ‘live’ trên sân khấu chính là lúc cảm xúc dâng trào nhất, khi đó các giác quan được tập trung toàn bộ cho tác phẩm. Ngoài sự tập trung vào đôi tay còn phải điều chỉnh nhịp điệu câu chuyện sao cho khớp với âm nhạc, chuyển động của cơ thể ngẫu hứng nhưng vẫn giao tiếp được với người xem... Đôi khi ngẫu hứng quá nên tung cát bay mù mịt...”, anh chia sẻ.

Buổi biểu diễn đặc biệt trong ngày cưới của họa sĩ tranh cát Anh Vũ. Ảnh do nhân vật cung cấp. 

Một kỷ niệm đáng nhớ trong “sự nghiệp” biểu diễn tranh cát của họa sĩ Anh Vũ là buổi diễn của anh cùng vợ trong chính đám cưới của mình vào tháng 10/2011. Màn biểu diễn đã nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt từ khách mời, tuy trong lúc diễn có gặp sự cố nho nhỏ do bị mất tín hiệu hình ảnh.

Hiện tại, họa sĩ Anh Vũ và những người bạn ở TP HCM vẫn thường xuyên theo dõi, tìm kiếm những người có chung tình yêu với tranh cát trên toàn quốc để có thể dễ dàng trao đổi kinh nghiệm và mở rộng số người đi theo bộ môn nghệ thật này. Nhà “ảo thuật với cát” hy vọng một chương trình nghệ thuật của những người yêu thích biểu diễn tranh cát sẽ được tổ chức trong tương lai gần.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét